Kết nối hệ thống giao thông thuỷ bộ phát triển kinh tế biển

Trần Hùng-Thứ bảy, ngày 19/03/2022 09:06 GMT+7

VTV.vn - Trong tương lai gần, ngành kinh tế biển sẽ giữ vai trò chủ yếu để đảm bảo cho nhu cầu đời sống của nhân dân, đảm bảo cho dân tộc ta giàu mạnh và phát triển.

Điểm sáng ở hai đầu đất nước

Cùng với cảng biển Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu tạo thành hai cực quan trọng về phát triển cảng biển của Việt Nam với những lợi thế rất lớn như vừa có điều kiện tự nhiên phát triển cảng, vừa có hậu phương cảng lớn. Từ hai cảng biển này đã hình thành hành lang kinh tế quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế quan trọng nhất của cả nước (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) và kết nối quốc tế với Trung Quốc, Campuchia.

Khu vực phía Bắc, Hải Phòng là một trong số ít địa phương có đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia với việc hội tụ đủ cả năm loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy nội địa và đường biển. Hệ thống giao thông có vai trò trọng yếu trong phát triển không chỉ của thành phố Cảng, mà của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và đất nước.

Trung ương luôn đặt kinh tế biển là trụ cột để Hải Phòng xây dựng chiến lược phát triển kinh tế trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, Hải Phòng đã xác định cụ thể 6 ngành, lĩnh vực biển trọng tâm của thành phố. Trước hết là phát triển hệ thống cảng, dịch vụ cảng và vận tải biển, phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của Việt Nam, có vị thế trong khu vực Đông Nam Á; phát triển công nghiệp biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, phát triển khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải thành trung tâm kinh tế hiện đại của cả nước và là cửa chính mở ra biển, đồng thời đưa Hải Phòng trở thành trung tâm đóng mới và sửa chữa tàu biển lớn nhất Việt Nam.

Với quyết tâm hiện thực hóa khát vọng vươn lên, Hải Phòng đang nỗ lực quyết tâm đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong đầu tư hoàn thiện, phát triển và hiện đại hóa hạ tầng giao thông, khẳng định vai trò đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương phía bắc và hai hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.

Kết nối hệ thống giao thông thuỷ bộ phát triển kinh tế biển - Ảnh 1.

Các cảng biển đã hình thành hành lang kinh tế quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế quan trọng nhất của cả nước

Nổi bật ở phía Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu là một "ứng viên" hội tụ đủ mọi điều kiện để trở thành một cảng biển cửa ngõ do có lợi thế về vị trí địa lý và vai trò quan trọng trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải đóng vai trò là cảng trung chuyển quốc tế- phục vụ trung chuyển cho cả khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Trong những năm qua, với định hướng và tầm nhìn xa này, từ Trung ương cũng như tới địa phương đã định hình được hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải dọc theo sông Thị Vải.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh, cho biết: "Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường Vành đai 4 đều là các dự án trọng điểm có tính bứt phá để kết nối giao thông liên vùng. Song song đó, tỉnh cũng đầu tư tuyến đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải kết nối tất cả các cảng, khu công nghiệp vào hệ thống giao thông chung; các tuyến đường đô thị, liên huyện cũng được tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư, triển khai xây dựng đồng bộ với các dự án giao thông liên vùng. Điều này giúp đảm bảo giao thông thông suốt, kết nối và phát huy, khai thác hết thế mạnh, tiềm năng của các địa phương của tỉnh trong tương lai, gắn kết với các địa phương khác của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam".

Gỡ "khó" cho miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cả về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế-xã hội đối với cả nước. Vùng hiện có 4 khu kinh tế ven biển, 4 cảng nước sâu, 4 sân bay rất thuận lợi cho phát triển công nghiệp, logistics gắn với cảng biển và du lịch.

Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã xác định quan điểm, cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đảm bảo đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát triển kinh tế-xã hội vùng cũng như tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy các vùng lân cận phát triển. Qua đó, hệ thống kết cấu hạ tầng đã từng bước được nâng cấp.

Kết nối hệ thống giao thông thuỷ bộ phát triển kinh tế biển - Ảnh 2.

Cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là phát huy tính liên kết nội vùng và liên kết vùng

Tuy nhiên, so với các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đang là "vùng trũng." Do đó, các địa phương đã đề nghị Trung ương chỉ đạo sớm đầu tư hoàn thiện đường cao tốc Bắc-Nam, có đoạn Quảng Ngãi-Bình Định-Phú Yên và tuyến đường ven biển nối các tỉnh miền Trung, để tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, kết nối các điểm du lịch giữa các tỉnh Duyên hải miền Trung – Tây Nguyên.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, những mặt hạn chế về hạ tầng giao thông đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến tăng trưởng kinh tế của khu vực chưa xứng tầm.

"ĐBSCL là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, những mặt hạn chế về hạ tầng giao thông thuỷ, bộ khiến kế hoạch liên kết vùng gặp phải nhiều khó khăn, hạn chế. Và cũng chính nguyên nhân này đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến tăng trưởng kinh tế của khu vực này chưa thực sự xứng tầm với những gì mà thiên nhiên ưu đãi" - Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út đặt vấn đề.

Kết nối hệ thống giao thông thuỷ bộ phát triển kinh tế biển - Ảnh 3.

Các địa phương cần tích cực hơn trong việc chủ động tháo gỡ lực cản

Ông Út cho rằng để giải quyết được bài toán này thì ngay bây giờ, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương, Bộ, ngành hiện thực hoá Quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là phát huy tính liên kết nội vùng và liên kết vùng.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cần khẩn trương ưu tiên nghiên cứu, xem xét xây dựng kế hoạch đầu tư tổng thể các dự án giao thông trung hạn và dài hạn của vùng ĐBSCL, trong đó, lưu ý khi mở thêm tuyến giao thông mới phải phù hợp với thực tế, tránh phá vỡ phương án tài chính của các dự án giao thông BOT đã triển khai, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án.

Song đó, các chính quyền địa phương cần tích cực hơn nữa trong việc chủ động tháo gỡ lực cản đối với phát triển ở địa phương mình, đặc biệt là công tác giải giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư hạ tầng, đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công để các dự án đảm bảo đúng tiến độ, đưa công trình vào sử dụng, sãn sàng cho kế hoạch kết nối và liên kết ĐBSCL tiến tới phát triển bền vững.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước