Khả năng FED giảm lãi suất vào tháng 9 lên tới 90%

VTV Digital-Thứ hai, ngày 15/07/2024 14:38 GMT+7

VTV.vn - Sau khi số liệu CPI tháng 6 của Mỹ được công bố, giới đầu tư đánh giá khả năng FED cắt giảm lãi suất trong tháng 9 đã tăng lên mức hơn 90%.

Chứng khoán Mỹ tăng kỷ lục sau dữ liệu lạm phát

Tuần qua, số liệu lạm phát của Mỹ là tâm điểm thu hút tại mọi thị trường, qua đó củng cố lại những nhận chung từ đầu tháng 7. Đó là Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED sẽ sớm hạ lãi suất vì kinh tế Mỹ có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.

Bên cạnh đó, những thông điệp từ hai phiên điều trần của Chủ tịch FED và các quan chức khác cho thấy cơ quan này không cần phải chờ lạm phát về mức mục tiêu dài hạn 2% mới tiến hành cắt giảm lãi suất cũng là tín hiệu tốt cho chứng khoán Mỹ. Phố Wall có thể nói đã chứng kiến tuần giao dịch "bùng nổ" khi liên tiếp ghi nhận các mức cao kỷ lục.

Tính chung cả tuần qua, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,6%, cao nhất trong 3 chỉ số chính. Đây cũng là lần đầu tiên Dow Jones vượt mốc 40.000 điểm kể từ cuối tháng 5 tới nay.

Mùa báo cáo kinh doanh quý II cũng đã bắt đầu. Nhóm ngân hàng "mở hàng" khá thuận lợi khi các ông lớn như JPMorgan và Citi đều công bố lợi nhuận tốt hơn dự báo. Song việc lãi suất cơ bản khả năng hạ thời gian tới khiến cổ phiếu nhóm ngành này lại quay đầu giảm.

Khả năng FED giảm lãi suất vào tháng 9 lên tới 90% - Ảnh 1.

Nhóm cổ phiếu công nghệ sẽ vẫn là lực đẩy chính cho phố Wall

FED hạ lãi suất tác động tới thị trường ra sao?

Theo công cụ FEDWatch của CME Group, sau khi số liệu CPI tháng 6 của Mỹ được công bố, giới đầu tư đánh giá khả năng FED cắt giảm lãi suất trong tháng 9 đã tăng lên mức hơn 90%.

Quan sát thị trường Mỹ tuần qua, các nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng khỏi nhóm cổ phiếu công nghệ lớn chi phối như Apple, Nvidia… và bắt đầu chuyển hướng sang một số mã cổ phiếu có vốn hoá nhỏ, cổ phiếu của các ngành công nghiệp và các mã liên quan đến nhà ở trong chỉ số S&P. Kết quả là, chỉ số vốn hoá nhỏ Russell 2.000 vọt 6% trong tuần. Chính sự gia tăng đột biến lượng giao dịch này đã khiến dự báo của công cụ CME tăng vọt lên 90%.

Lúc này, nhiều trang báo tại Mỹ cũng đã nhanh chóng tìm kiếm các dữ liệu lịch sử để mổ xẻ loạt câu hỏi: Khi FED cắt giảm lãi suất thì thị trường phản ứng ra sao? Có rủi ro nào cho kinh tế sau khi nới lỏng chính sách tiền tệ?

Thống kê của Morgan Stanley đăng trên trang Yahoo Finance cho thấy, trong lịch sử từ năm 1973-2019, tỷ suất sinh lời trung bình của chỉ số S&P 500 sau khi FED hạ lãi suất thường là dương sau 6 tháng, dao động trong khoảng 2,9-3,5%.

Song các phân tích này có một nhược điểm cơ bản, đó là dựa trên giả định trong thời điểm tính toán tỷ suất sinh lợi của cổ phiếu sẽ không có sự kiện trọng yếu nào diễn ra đồng thời. Năm 2024 thì khác. Đây là năm bầu cử Tổng thống Mỹ.

Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên cao cấp chuyên ngành Tài chính - Kế toán, Đại học Bristol, Vương quốc Anh cho biết: "Năm 2024, cuộc bầu cử lớn tại Mỹ. Câu chuyện về ứng cử viên Tổng thống Trump bị bắn cũng là một sự kiện chính trị ảnh hưởng. Nó đều có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính. Do đó, rất khó để tính toán tác động của việc cắt lãi suất với tác động của thị trường với tỷ suất sinh lợi sau 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng".

Hiện các khảo sát đều cho thấy rủi ro, nhiều doanh nghiệp Mỹ sẽ trì hoãn đầu tư vốn vào tài sản cố định đến sau bầu cử. Do vậy, dòng vốn giá rẻ dù được hỗ trợ bởi lãi suất giảm cũng sẽ chưa được bơm ngay ra thị trường.

Nhóm cổ phiếu công nghệ sẽ vẫn là lực đẩy chính cho phố Wall dù sự dịch chuyển dòng vốn sang cổ phiếu nhỏ đã dần xuất hiện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước