Khách hàng “thắt lưng, buộc bụng”, vay tiêu dùng gặp khó

Nguyễn Hương-Thứ tư, ngày 18/10/2023 14:25 GMT+7

VTV.vn - Khách hàng "thắt lưng, buộc bụng", cùng với việc thu hồi khoản vay gặp khó do nhiều người giảm hoặc mất thu nhập... là những nguyên nhân khiến vay tiêu dùng gặp khó.

Theo thống kê của NHNN, nửa đầu năm 2023, nhóm các công ty tài chính ghi nhận tốc độ tăng trưởng sụt giảm 5,58% so với cuối năm 2022. Dù đã có những gói ưu đãi, hỗ trợ vay nhưng nhu cầu vay của người dân vẫn giảm.

Bên cạnh các yếu tố như tâm lý tiết kiệm, giảm chi tiêu, nguyên nhân của sự sụt giảm còn đến từ những bất cập về hành lang pháp lý, các cơ cơ chế bảo đảm khoản vay ở cả phía người vay và đơn vị cho vay.

Dù được công ty giới thiệu vay gói 20.000 tỷ đồng hỗ trợ công nhân, người lao động, thông qua các công ty tài chính tiêu dùng, nhưng chị Hằng (công nhân Công ty CP Tập đoàn Gia Định) không đăng ký, bởi thu nhập của chị đã giảm khoảng 20% so với trước.

Tương tự, chị Uyên (TP Hồ Chí Minh) cũng hạn chế tối đa vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng của các công ty tài chính để mua hàng trả góp do thu nhập sụt giảm.

Khách hàng “thắt lưng, buộc bụng”, vay tiêu dùng gặp khó - Ảnh 1.

Hiện dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính mới chỉ đạt khoảng 220.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,87% tổng dư nợ toàn nền kinh tế nên dư địa còn rất lớn. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

"Em sợ mình không có khả năng trả, sợ trả trễ ngày, ảnh hưởng đến uy tín, hồ sơ vay, sau này muốn vay mua muốn đồ gì khác thì khó khăn", chị Trần Thị Tố Uyên, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.

Khách hàng "thắt lưng, buộc bụng", cộng thêm việc thu hồi khoản vay gặp khó do nhiều người giảm hoặc mất thu nhập, tâm lý "bùng nợ" tăng cao là những nguyên nhân khiến vay tiêu dùng gặp khó. Nửa đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của một số công ty tài chính đã sụt giảm mạnh, từ 30 - 80%, thậm chí tới hơn 300% so với cùng kỳ năm 2022.

"Giá vốn có thời điểm lên 14 - 15%, bình quân cao hơn 20% so với năm trước. Giá vốn cao thì giá cho vay cũng cao. Nợ quá hạn mặt bằng chung cao hơn 30% so với năm 2022 khiến chi phí trích lập dự phòng, chi phí rủi ro tăng cao", ông Lê Phuơng Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Viet Credit, cho biết.

Theo các chuyên gia, hiện dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính mới chỉ đạt khoảng 220.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,87% tổng dư nợ toàn nền kinh tế nên dư địa còn rất lớn, đặc biệt trong thời điểm cuối năm. Do đó, việc sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, có cơ chế quản lý riêng biệt theo đặc thù ngành là cần thiết.

"Nhu cầu của người vay và cho vay tiêu dùng vẫn rất lớn, nên cần phải có hàng lang pháp lý chặt chẽ hơn, đảm bảo khoản vay, giúp thị trường ổn định, lành mạnh", ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank, cho hay.

"Giải pháp quan trọng nhất là truyền thông. Cần thông tin, tư vấn đầy đủ cho khách hàng, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, địa phương hướng dẫn người dân tiếp cận với tín dụng tiêu dùng chính thống từ các định chế tài chính", ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh nhận định.

Từ khuyến nghị của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng cho biết, đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển hệ thống chấm điểm tín dụng, tăng hiệu quả, tốc độ xử lý tín dụng, cố gắng nắm bắt cơ hội phục hồi ở các tháng cuối năm.

Cho vay tiêu dùng gặp khó vì “bùng nợ” Cho vay tiêu dùng gặp khó vì “bùng nợ”

VTV.vn - Các chuyên gia cho rằng những hành vi tham gia hội nhóm bùng nợ vay trực tuyến đã khiến thị trường vay tiêu dùng khó lại càng khó.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước