Sau khoảng 1 tháng triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, tại Hà Nội, khoảng 1,5 triệu người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn vì dịch bệnh đã nhận được hỗ trợ an sinh xã hội. Đến nay, tổng số tiền hỗ trợ là hơn 174 tỷ đồng, theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội mới đây.
Thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68, chị Hương cùng các cô giáo của một trường mầm non tư thục trên địa bàn quận Long Biên nhanh chóng hoàn thiện toàn bộ giấy tờ theo hướng dẫn trực tuyến của quận, chỉ mất 1 lần đi lại để nộp tại bộ phận một cửa. Một số khó khăn về thủ tục cũng được cán bộ Phòng Lao động linh động xử lý.
"Trường em có 2 trường hợp là 2 cô không sử dụng tài khoản, em nộp hồ sơ thì các anh chị cũng tạo điều kiện để chúng em nhận tiền mặt", cô giáo Hoàng Thị Hương, Trường mầm non tư thục Ong và Kiến, quận Long Biên, Hà Nội, chia sẻ.
Thăm hỏi, tặng quà người lao động gặp khó trên địa bàn thành phố Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Một tháng nay, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của quận Long Biên bố trí riêng 1 cửa nhận hồ sơ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Phòng Lao động cũng phân công 1 cán bộ trực tiếp xử lý hồ sơ, đưa ra hướng giải quyết với từng trường hợp.
Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, để vừa kịp thời chi trả hỗ trợ cho người dân, vừa đảm bảo an toàn, việc tuyên truyền gói hỗ trợ cũng được đẩy mạnh trên các trang mạng xã hội, trang chính quyền điện tử quận Long Biên.
Đường dây nóng của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thực sự phát huy hiệu quả, trực tiếp hướng dẫn, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho từng người lao động.
"Hàng ngày chúng tôi nhận trung bình 50 - 60 cuộc gọi một ngày, cao điểm là 100 cuộc. Người dân được tháo gỡ và gói hỗ trợ đến kịp thời với người lao động", anh Trần Văn Sơn, Phó Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận Long Biên, Hà Nội, cho biết.
Đáng nói, không chỉ linh động trong công tác xử lý hồ sơ chi trả hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 68, với các trường hợp gặp khó khăn, cần trợ giúp khẩn cấp, Phòng Lao động cũng nhanh chóng xác minh thông tin qua các cấp cơ sở, hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết từ nguồn kinh phí huy động riêng.
Tháo gỡ khó khăn, người lao động tự do sớm tiếp cận gói hỗ trợ
Nhóm lao động tự do cũng được đặc biệt quan tâm, khi việc hỗ trợ lần này sẽ do các tỉnh, thành phố trực tiếp đảm nhận. Mức hỗ trợ được căn cứ vào điều kiện, khả năng ngân sách của địa phương.
Tại Hà Nội, lao động tự do được nhận hỗ trợ khi cư trú hợp pháp trên địa bàn thành phố, bị mất việc làm vì dịch COVID-19 từ ngày 1/5 đến 31/12/2021. Những người lao động này sẽ được nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.
Dù thay đổi này đã giúp người lao động tự do phần nào dễ dàng hơn trong việc tiếp cận gói hỗ trợ, so với gói hỗ trợ theo Nghị định 42 trong năm 2020. Tuy nhiên thực tế, vẫn còn một số lao động gặp vướng mắc trong việc hoàn thiện hồ sơ.
Ngày thường, anh Đại (phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) chạy xe ôm, chở hàng, vợ bán hàng ngoài chợ. Từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, hai vợ chồng đều phải nghỉ việc, không có thu nhập.
Dù vậy theo anh, việc tiếp cận gói hỗ trợ vẫn gặp nhiều khó khăn khi những trường hợp từ các địa phương lên Hà Nội làm việc như gia đình anh phải có giấy xác nhận không hưởng tại nơi thường trú ở quê.
Thực tế, các trường hợp lao động không có tạm trú hay có tạm trú nhưng phải chờ xin giấy xác nhận nơi thường trú để nhận hỗ trợ không hiếm.
Phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) tổ chức chi trả tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ cho 100 trường hợp được phê duyệt, với số tiền 1,5 triệu/người. (Ảnh: TTXVN)
Với khoảng 3.000 lao động tự do trên địa bàn, thời gian này, các tổ dân phố phường Phú Thượng vẫn đang khẩn trương rà soát, lên danh sách, nhanh chóng thẩm định hồ sơ theo nguyên tắc linh hoạt khi tiếp nhận.
Để người lao động tự do sớm tiếp cận với gói hỗ trợ, một số quận trên địa bàn Hà Nội đã chủ động rút ngắn thời gian xét duyệt còn 5 ngày thay vì 10 ngày theo quy định và thay xác nhận không nhận hỗ trợ tại nơi thường trú bằng cam kết viết tay của người dân.
Theo đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc thực hiện các chính sách theo Nghị quyết 68, đặc biệt là việc hỗ trợ người lao động tự do, cơ bản vẫn còn một số vướng mắc, chủ yếu là khi áp dụng tại các địa phương còn chưa thống nhất.
"Bộ cũng đang xây dựng một bộ câu hỏi và trả lời để nêu lên những trường hợp trong thực tiễn. Chúng tôi sẽ ban hành văn bản gửi về các địa phương, áp dụng cho thống nhất", Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, Phó trưởng Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 68, cho hay.
Có thể thấy, dù vẫn còn vướng mắc, nhưng chủ trương giao nhóm lao động tự do cho các tỉnh, thành phố tự triển khai là đúng đắn. Khi các điều kiện để nhận hỗ trợ được từng địa phương điều chỉnh phù hợp với thực tế, để gói an sinh đến gần hơn với người dân.
"Một miếng khi đói - bằng một gói khi no". Có thể thấy, càng trong lúc khó khăn dịch bệnh, gói hỗ trợ của Chính phủ lại càng có ý nghĩa lớn, giúp người dân cầm cự, vượt khó khăn, vững tâm thực hiện phòng, chống dịch, để sớm đẩy lùi COVID-19.
Hỗ trợ kịp thời cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh
Hai năm với 4 đợt dịch bùng phát, cứ mở cửa rồi lại đóng, suốt 3 tháng nay, hai vợ chồng chị Huyền (phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) không có thu nhập, nhưng tiền thuê nhà mỗi tháng mất 5,5 triệu đồng, chi tiêu phải chắt bóp để cầm cự.
Khoản hỗ trợ 1,5 triệu đồng cho lao động tự do không nhiều, nhưng đối với anh chị là khoản hỗ trợ rất ý nghĩa vào thời điểm này.
Để thuận tiện cho người dân, việc chi trả cho nhóm lao động tự do được các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội triển khai xuống từng tổ dân phố, thậm chí là chi trả tại nhà.
Theo đánh giá, gói an sinh lần này đã đi đúng hướng, đơn giản hóa thủ tục, kịp thời hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt là các địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội.
Được biết, thành phố Hà Nội cũng vừa ra Nghị quyết đặc thù hỗ trợ 10 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chưa được quy định tại Nghị quyết 68. Tổng kinh phí dự kiến hơn 345 tỷ đồng. Đây cũng là quyết tâm chung của thành phố nhằm đảm bảo mọi đối tượng đều được tiếp cận chính sách an sinh trong lúc dịch bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!