Khẩu trang hạ giá liên tục nhưng bán không ai mua
Khẩu trang chất đống, hạ giá liên tục nhưng bán không ai mua do nguồn cung trong nước đang dư thừa, xuất khẩu thì khó khăn do thiếu chứng nhận chất lượng.
Đây là tình trạng chung của nhiều đơn vị sản xuất khẩu trang theo ghi nhận trên tờ Tuổi trẻ. Đơn cử như một đơn vị tại TP Hồ Chí Minh đã chịu thua lỗ trong nhiều tháng qua do lượng khẩu trang tồn hiện lên đến hàng chục triệu chiếc, thậm chí nhiều đơn vị đã ngưng sản xuất 3 tháng trở lại đây và phải tính đến việc đóng cửa do đối tác không lấy hàng.
Lượng xuất khẩu tại nhiều đơn vị đã giảm tới trên 50% mặc dù giá bán cũng đã giảm liên tục. Một nguyên nhân khiến xuất khẩu khó khăn được nhiều doanh nghiệp nhận định là do phải cạnh tranh với hàng từ Trung Quốc. Trong khi đó, các hệ thống siêu thị lớn trong nước cũng đang có lượng khẩu trang dự trữ đủ cung cấp cho thị trường trong khoảng 4-5 tháng tới nên chưa nhập thêm.
Doanh nghiệp du lịch nội địa tiến đến 5 sao
Từ khi du khách chỉ còn đi du lịch trong nước, doanh nghiệp du lịch phục vụ nội địa đang cố gắng giành lại nguồn thu này bằng cách đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là đẩy mạnh dòng sản phẩm cao cấp, từng bước đưa ngành du lịch tiến đến 5 sao.
Tờ Nhịp cầu đầu tư dẫn chứng hàng loạt "ông lớn" đang tiếp tục đầu tư vào các khu nghỉ dưỡng sang trọng và nhắm tới đối tượng khách chi tiêu cao. Trong khi đó, theo ước tính của Hiệp hội Lữ hành, năm 2019 Việt Nam có khoảng 10 triệu lượt người du lịch nước ngoài với tổng chi lên đến từ 50.000-100.000 tỉ đồng và hiện nay nhóm khách này gần như chỉ có thể đi du lịch trong nước.
Đặc biệt, với các doanh nghiệp lữ hành, dòng tour nội địa cao cấp đang mang lại biên lợi nhuận hấp dẫn hơn so với tour phổ thông và hiện còn rất nhiều tiềm năng phát triển.
Việt Nam là cường quốc xuất khẩu nông sản nhưng đa phần là sản phẩm thô
Việt Nam là một trong những cường quốc xuất khẩu nông sản của thế giới với mức độ tăng trưởng hằng năm 5-7% tính từ 2015 đến nay. Thế nhưng, phần lớn nông sản xuất đi là ở dạng thô hoặc được sơ chế có giá trị gia tăng thấp.
Tờ Thời báo kinh tế SG dẫn lời Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ rõ, sản phẩm nông sản sơ chế có giá trị gia tăng thấp chiếm từ 70-80% trong khi sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 15-30% .
Nếu sánh tương quan, nông sản được xuất khẩu dưới dạng chế biển của Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 20-30%, hiện đang rất thấp so với con số 80% của Đài Loan (Trung Quốc), điều này cho thấy, trình độ của Việt Nam còn rất hạn chế và cần phải đẩy mạnh khâu chế biến nông sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!