Dù mỗi người mỗi sở thích, nhưng hầu hết đều lựa chọn các điểm đến an toàn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể nhìn thấy rõ những xu hướng: Đi tự túc; Điểm đến gần và Hướng về thiên nhiên.
"Khẩu vị" du khách thay đổi hậu COVID-19
Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, TP. Hà Nội, nói: "Tôi đang định đi miền Tây và Côn Đảo. Đi nhiều nơi rồi nhưng hai nơi đó chưa đi. Tôi mong muốn tìm được tour để đi trong thời gian tới".
Chị Nguyễn Thị Hồng, TP. Hà Nội, nói: "Đầu tiên chúng tôi sẽ đi trong nước trước để gia đình cảm thấy thư giãn. Sau đó, nếu mở rộng hơn thì sẽ đi nước ngoài".
Ưu tiên cho du lịch nội địa với những địa điểm gần vẫn là ưu tiên hiện tại của phần lớn du khách, mặc dù dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt.
Theo Khảo sát của Visa, 76% người Việt lên kế hoạch du lịch giải trí trong nước vào năm nay, cao hơn nhiều so với tỉ lệ 38% số người lập kế hoạch đi du lịch nước ngoài. Cũng theo Visa, 30% số người được hỏi cho biết họ sẽ lựa chọn tham quan những địa điểm du lịch tại địa phương. Đặc biệt là trong những dịp lễ lớn nhằm tránh sự đông đúc.
Du khách dạo chơi ngắm các kiến trúc châu Âu thời Trung cổ tại Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: TTXVN.
Bà Tô Nguyệt Khanh, Hà Nội nói: "Biển đông nên tôi chọn những địa điểm gần hơn. Thêm vào đó là một số tuyến điểm mang tính chất lịch sử".
Thêm một xu hướng nữa của du khách sau dịch COVID-19, đó là thích đi tự túc và theo nhóm nhỏ. Khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch cho thấy, 78% người được hỏi chọn đi theo nhóm gia đình hoặc nhóm bạn bè và nhu cầu đi xe cá nhân cũng tăng lên.
Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, cho biết: "Khách thường thích di chuyển theo người quen của mình, thành nhóm nhỏ, bạn bè, gia đình và tự đặt các dịch vụ. Do đó, khách đi tự do tăng trưởng rất mạnh trong thời gian gần đây và trong thời gian tới".
Ngoài những sự thay đổi về cách thức đi du lịch hay việc lựa chọn điểm đến, các chuyên gia cũng cho rằng, năm 2022, du khách cũng sẽ có nhu cầu về sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái hay du lịch sức khoẻ.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nói: "Du lịch chăm sóc sức khoẻ, dưỡng bệnh, nước nóng, du lịch miền núi, du lịch biển…, tức là du lịch nghỉ dưỡng sang giai đoạn mới sẽ gắn với yếu tố sức khoẻ trong mỗi người dân đi du lịch".
Nắm được "khẩu vị" của du khách chính là chìa khoá giúp các doanh nghiệp du lịch "lên thực đơn" và chuẩn bị món ăn chuẩn nhất.
Trong khi du lịch ở những địa điểm gần hay du lịch tại chỗ được nhiều người lựa chọn vào dịp cuối tuần thì các doanh nghiệp đang chạy đua gia tăng trải nghiệm khách hàng. Họ đưa vào một thuật ngữ gọi là gamification - "game hoá". Đưa trò chơi vào trong không gian của khách sạn. Đó có thể là các trò chơi dân gian như cờ caro, rút gỗ… cho đến những trò hiện đại hơn như bi lắc để đến khách sạn không chỉ để ngủ mà còn có thể vui chơi nữa.
Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Tin tức.
Doanh nghiệp du lịch "chạy đua" gia tăng trải nghiệm khách hàng
Theo các chuyên gia, "game hoá" là một thủ pháp đã được sử dụng khá lâu trong lĩnh vực truyền thông - marketing và bán lẻ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực khách sạn thì gần đây "công cụ" này mới được áp dụng.
Khảo sát của NielsenIQ Việt Nam chỉ ra rằng, có 3 yếu tố mà khách hàng quan tâm nhất khi đi du lịch là: trải nghiệm được cá nhân hóa (82%), tiêu chuẩn an toàn cao (81%) và sự riêng tư (58%) và "game hoá" sẽ giúp các khách sạn gia tăng được trải nghiệm cho các "thượng đế".
Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Nghiên cứu Hành vi Khách hàng, Công ty NielsenIQ Việt Nam, cho biết: "Khách hàng cuối cùng, tức là người tiêu dùng, mong muốn sự thoải mái, vui vẻ và game sẽ cho họ điều này. Thêm nữa, con người luôn mong muốn thể hiện mình, khám phá cái mới và game sẽ cho người ta cảm giác chiến thắng".
Nếu các doanh nghiệp lưu trú "game hoá, thì khối lữ hành lại tận dụng triệt để việc "số hoá". Đã từ lâu, du khách có thể lên lịch trình, đặt vé, đặt tour… ngay tại nhà. Hơn thế, các combo du lịch phục vụ cho khách đi tự túc giờ đây cũng được "tự động hoá".
Bà Vũ Thị Hương Lan, Phó Tổng Giám đốc Công ty VNTrip, chia sẻ: "Khách hàng có thể tự chọn lịch trình, tự chọn điểm đến, theo mức giá phù hợp. Hy vọng là các combo tự động này sẽ giúp khách hàng linh hoạt hơn".
Để đáp ứng mọi nhu cầu của từng du khách, các doanh nghiệp du lịch đang "chạy đua" để gia tăng trải nghiệm cho các khách hàng của mình. Với những nỗ lực thay đổi và không ngừng làm mới, cùng với nhu cầu tăng cao của du khách, ngành du lịch Việt hứa hẹn sẽ sớm phục hồi và lấy lại thành quả như trước khi dịch COVID-19 xảy ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!