Khi các thị trường lớn kiểm soát luồng hàng hóa nhập khẩu vào

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 17/05/2024 21:23 GMT+7

VTV.vn - Mỹ là một trong những quốc gia thường xuyên sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, chiếm tới gần 1/4 tổng số vụ mà Việt Nam phải đối mặt.

Tính đến hết năm 2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với hơn 240 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại. Riêng năm 2023 đã phát sinh tới 15 vụ việc mới. Nhiều vụ việc khác cũng đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát. Nhiều thị trường lớn cũng đang tăng cường phòng vệ thương mại.

Mỹ là một trong những quốc gia thường xuyên sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, chiếm tới gần 1/4 tổng số vụ mà Việt Nam phải đối mặt. Trong khi Mỹ lại đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của chúng ta.

Mỹ là một trong những thị trường lớn nhất và mở nhất thế giới đối với hàng hoá quốc tế. Thuế nhập khẩu của Mỹ luôn ở mức rất thấp. Hàng hoá nước ngoài gần như được tự do vào thị trường này. Cũng chính vì thế, Mỹ cần có một công cụ để điều chỉnh lại luồng hàng hoá nhập khẩu, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước.

TS. Michael Kaye - Cộng sự tại Công ty Luật Squire Patton Boggs, Mỹ cho biết: "Với kinh nghiệm hơn 30 năm tham gia rất nhiều các vụ việc phòng vệ thương mại, cá nhân tôi đã thấy nhiều vụ việc là chính đáng, bảo vệ các doanh nghiệp Mỹ. Thế nhưng, cũng rất tiếc khi phải thừa nhận rằng, đã có không ít những vụ việc lạm dụng các biện pháp phòng vệ. Một nhóm lợi ích nào đó lợi dụng lí do phòng vệ thương mại để ngăn cản hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ".

Khi các thị trường lớn kiểm soát luồng hàng hóa nhập khẩu vào - Ảnh 1.

Chủ động phòng tránh, sẵn sàng đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại sẽ là chìa khóa để hàng hóa Việt Nam vượt các rào cản này

Trong những trường hợp phòng vệ không chính đáng như vậy, ngay nội tại thị trường Mỹ cũng sẽ có những xung đột. Đây cũng chính là cơ hội cho các đối tác bị phòng vệ, như Việt Nam.

Khi một thị trường nước ngoài áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam, chưa hẳn tất cả các đối tượng ở thị trường đó đều ủng hộ. Họ có thể là các nhà nhập khẩu tiêu thụ hàng hoá của chúng ta. Họ có thể là các nhà kinh tế học vốn ủng hộ lý thuyết về tự do hoá thương mại hay có thể là các tổ chức đảm bảo cạnh tranh công bằng chống độc quyền, hay đơn giản họ có thể là các tổ chức đảm bảo cho quyền lợi của người tiêu dùng. Đây có thể là những đối tượng có chung tiếng nói, ủng hộ các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương nhận định: "Tôi khuyến nghị các doanh nghiệp thông qua các đối tác nhập khẩu của chúng ta, kể cả truyền thông ở nước nhập khẩu, đưa ra những ý kiến mang tính chất ủng hộ cho lập luận của nhà xuất khẩu và phản bác lại những lập luận của các nhà sản xuất trong nước".

Trước khi khởi xướng điều tra các vụ kiện, các thị trường nhập khẩu như Mỹ, sẽ dành rất nhiều thời gian để chuẩn bị bằng chứng cáo buộc. Thế nhưng, khi bắt đầu điều tra, các doanh nghiệp xuất khẩu như ở Việt Nam lại chỉ có ít thời gian, khoảng một tháng, để chuẩn bị chứng cứ phản bác. Vì thế, phòng luôn hơn chống. Người Mỹ cũng có quan điểm vậy.

TS. Michael Kaye - Cộng sự tại Công ty Luật Squire Patton Boggs, Mỹ chia sẻ: "Người Mỹ chúng tôi có câu "một ounce phòng ngừa bằng cả pound chống đỡ". Các doanh nghiệp Việt Nam hãy diễn tập ứng phó với những tình huống hàng hoá của mình bị điều tra phòng vệ thương mại".

Bà Cindy Chao - Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Á - Mỹ nêu ý kiến: "Bộ Thương mại Mỹ khi phải khởi xướng điều tra phòng vệ vẫn luôn cố gắng đảm bảo tự do thương mại, tránh những hệ quả đối với các đối tác. Tuy nhiên điều này cũng còn phụ thuộc vào sự phản hồi của chính những đối tác này".

Những nước có nền sản xuất và xuất khẩu mạnh sẽ luôn là đối tượng bị phòng vệ thương mại nhiều. Khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam, được dự báo sẽ là những đối tượng chính tiếp theo của phòng vệ thương mại trên thế giới. Chủ động phòng tránh, sẵn sàng đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại sẽ là chìa khóa để hàng hóa Việt Nam vượt các rào cản này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước