Được xem là một trong số các doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đưa máy đưa võng lên bán ở Amazon. Tuy đã bán hàng được nhiều năm, nhưng anh Nguyễn Thanh Tòng (Công ty An Thái Sơn) thừa nhận, doanh số trên Amazon chỉ chiếm một phần rất nhỏ, khi mỗi tháng chỉ bán khoảng gần 100 trăm chiếc máy và khách chủ yếu là Việt kiều.
Cũng đưa cà phê Việt Nam lên Amazon từ 3 năm trước, sản phẩm bán ra cao gấp 3 lần so với giá trong nước. Thế nhưng thời gian đầu, làm sao tiếp cận khách hàng trên Amazon thực sự là bài toán khó với chị Trịnh Thị Bích Thảo - Giám đốc điều hành Anni Coffee, bởi cà phê Việt Nam không phải là sản phẩm duy nhất trên chợ thương mại điện tử này.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, hiện chỉ mới có khoảng 200 doanh nghiệp Việt bán hàng trên Amazon. So với hàng loạt mặt hàng triển vọng từ nông sản, thực phẩm, đồ nội thất... vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam thì con số này còn khiêm tốn.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đưa hàng lên Amazon không khó, để hàng bán chạy mới khó. Tuy doanh số bán hàng không lớn nhưng đây cũng được xem là kênh tiếp thị. Báo cáo chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2017 cho biết, 32% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài qua các kênh trực tuyến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!