Khó quản lý giá sữa trên thị trường

Duy Anh-Thứ bảy, ngày 14/06/2014 11:26 GMT+7

Việc áp giá trần đối với mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi được kì vọng là giải pháp hữu hiệu để hạn chế việc tăng giá sữa vô tội vạ của các doanh nghiệp như trong thời gian qua. Thế nhưng, theo cơ quan quản lý thị trường, biện pháp này chỉ giải quyết phần ngọn và người tiêu dùng vẫn tiếp tục bị móc túi vì những bất cập trong quản lý chất lượng và giá đối với mặt hàng sữa.

Nhiều ngày qua, 25 mặt hàng sữa thực hiện giá trần theo Quyết định 1079 của Bộ Tài chính bắt đầu giảm từ 50 đến hơn 200.000 đồng/hộp. Nhiều cửa hàng cho biết, số lượng sản phẩm sữa bị áp giá trần là quá ít bởi hiện một số nhà cung cấp lại đưa ra những dòng sản phẩm mới để né giá trần. Đối tượng bị thiệt thòi không ai khác ngoài người tiêu dùng và cửa hàng bán lẻ.

Theo quy định, chi phí cho quảng cáo, tiếp thị tối đa 10% tổng chi phí được khấu trừ. Nhưng trên thực tế, không ít các hãng sữa thậm chí đã chi cho quảng cáo gấp đến 4 lần mức cho phép. Trong khi, Bộ Tài chính và Bộ Y tế đều nắm trong tay những công cụ sắc bén như Cục Quản lý giá, Cục An toàn thực phẩm và hoàn toàn xử lý các khoản chi phí bất hợp lý trong các khâu phân phối, quảng cáo, tiếp thị khiến sữa đội giá nhưng lại bỏ ngỏ.

Giá sữa tăng và khó quản lý còn bắt nguồn từ việc không thống nhất về tên gọi và các quy định về quy chuẩn đối với sữa. Đây là cơ hội để doanh nghiệp lách luật tăng giá bán.

Ông Nguyễn Văn Phước, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Tiền Giang nói: “Bộ Tài chính cũng quy định, đối với các sản phẩm có tính năng, kĩ thuật tương đương thì là sữa và doanh nghiệp phải đăng ký giá bán. Thế nhưng, quyết định 31 cỉa Bộ Y tế quy định những sản phẩm sữa phải đảm bảo tối thiểu là 34% độ đạm trở lên. Như vậy, doanh nghiệp chỉ cần làm 33% độ đạm, nó không phải là sữa thì đương nhiên nó không chịu sự quản lý về việc điều chỉnh giá trần”.

Chỗ vướng đã rõ, nhưng có gỡ hay không và bao giờ mới gỡ là điều mà người dân mong mỏi để giá sữa sớm được bình ổn, không phải việc đúng hay sai đối với các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý chất lượng và giá sữa của các bộ. Trong khi chờ đợi, người tiêu dùng vẫn tiếp tục bị móc túi một cách công khai từ chiêu bài tăng giá của các doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước