Nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu san lấp không thiếu trên toàn lãnh thổ, vấn đề là cách nào đưa vật liệu từ mỏ ra làm vật liệu phục vụ công trình. Ông Thái Duy Sâm, Tổng Thư ký Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam nhìn nhận: "Chúng ta không lách luật mà phải vận dụng luật để đẩy nhanh tiến độ thủ tục".
Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Khó khăn vật liệu làm cao tốc Bắc - Nam: Thực trạng và giải pháp" sáng 25/3, ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật, nhu cầu vật liệu đất đắp (sau khi đã điều phối vật liệu dọc tuyến) cho toàn bộ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, đi qua 13 tỉnh với tổng chiều dài khoảng 653 km sẽ cần khoảng 52 triệu m3.
Hiện, trong số 6/11 dự án đang triển khai thì chỉ có 3 dự án (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và Cầu Mỹ Thuận 2) cơ bản hoàn thành phần đất đắp. Ba dự án còn lại (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) bắt đầu xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu.
Nếu không có các giải pháp kịp thời thì nguy cơ thiếu vật liệu cho cao tốc Bắc - Nam là điều hiện hữu. (Ảnh: VGP)
"Nếu các địa phương không nhanh chóng cấp phép lại cho các mỏ vật liệu đã hết hạn thì nguy cơ thiếu vật liệu cho cao tốc Bắc - Nam là điều hiện hữu. Nước ta nhiều đồi núi mà thiếu vật liệu đất đắp thì quả là vấn đề đáng bàn", ông Tiến nói.
Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 7 (chủ đầu tư cầu Mỹ Thuận 2) cho rằng, nếu không có giải pháp tháo gỡ khó khăn về vật liệu thì dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ đối diện với nguy cơ chậm tiến độ.
"Nhu cầu dự án cần 8 triệu m3 vật liệu, nhưng đến nay các mỏ đã được cấp phép khai thác chỉ được khoảng hơn 1 triệu m3. Như vậy, nguồn cung cấp đang thiếu nghiêm trọng. Hiện địa phương đang tổ chức đấu giá nhưng tính cả 3 nguồn gồm: mỏ đã cấp phép, mỏ đang hoàn thiện giấy phép và mỏ đấu giá thì mới đáp ứng được khoảng hơn 4 triệu m3", ông Khoát cho biết.
Thêm vào đó, ông Khoát dự tính, thời gian hoàn thiện cấp phép một mỏ khoảng 6 - 8 tháng trong khi theo kế hoạch cuối năm 2021 phải hoàn thiện cả tuyến đường với 8 triệu m3 đất. Với thời gian còn lại thì mỗi tháng cần 90.000 m3, cá biệt có những tháng cao điểm phải cần 2 triệu m3 đất. Một ngày phải có 150 - 300 xe/mỏ, khoảng 2 - 5 phút có 1 xe xuất phát từ mỏ. Vì thế, khả năng bị chậm tiến độ tại dự án cầu Mỹ Thuận 2 là rất lớn nếu không có giải pháp căn cơ và đa dạng hóa nguồn cung ứng vật liệu.
Khó thủ tục hay cách làm sai?
Quay trở lại câu chuyện "vì sao đất nước ta nhiều đồi núi mà lại thiếu vật liệu đất đắp", ông Võ Hoàng Anh, đại diện Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) khẳng định, nhiệm vụ khảo sát vị trí chất lượng, trữ lượng, khối lượng tại các dự án từ cơ quan quản lý của Bộ tới Ban QLDA, chủ đầu tư đã thẩm định rất kỹ, "không thiếu vật liệu để thi công dự án Bắc - Nam và các dự án giao thông khác".
"Đất nước ta 3/4 là đồi núi phân bố khắp chiều dài đất nước, không thể thiếu được vật liệu. Nhưng tại sao lại có tình trạng thiếu vật liệu cục bộ? Đây là vấn đề quản lý, thực thi. Vấn đề khan hiếm vật liệu nếu không có giải pháp căn cơ thì không chỉ riêng dự án cao tốc Bắc - Nam, mà tất cả các dự án trọng điểm khác cũng sẽ vướng vào tình trạng khó khăn này", đại diện TEDI nói.
Cùng quan điểm, ông Thái Duy Sâm cho rằng, nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu san lấp không thiếu, vấn đề là cách nào đưa từ mỏ ra làm vật liệu phục vụ công trình.
"Chúng ta không lách luật mà phải vận dụng luật để đẩy nhanh tiến độ thủ tục. Tôi cho rằng cần giảm bớt thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu, tổ chức khai thác tốt, đặc biệt đối với những công trình trọng điểm, cấp bách của đất nước cần phải có ưu tiên tháo gỡ", ông Thái Duy Sâm nói.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Trưởng phòng Tài nguyên, khoáng sản (Sở TN&MT Thanh Hóa) cho biết, với tình trạng khan hiếm vật liệu ở tỉnh Thanh Hoá, Sở TN&MT Thanh Hóa đã đưa thông tin đến các chủ mỏ, đề nghị chủ mỏ đã được cấp phép gửi hồ sơ lên Sở để được xem xét nâng công suất. Còn những mỏ nằm trong quy hoạch đã phê duyệt sẽ ưu tiên đẩy nhanh tốc độ cấp phép.
"Chúng tôi đã phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra các mỏ mà Ban QLDA Thăng Long đề xuất, gồm 16 mỏ nằm dọc tuyến để đề xuất không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, quy trình cấp phép vẫn có thể kéo dài 6 - 8 tháng. Đây là vấn đề ảnh hưởng đến tiến độ dự án", ông Nguyễn Thế Hùng cho hay.
Phản hồi lại ý kiến trên, ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) cho biết, từ năm 2016, Bộ đã tháo gỡ, giảm rất nhiều thời gian cấp phép khai thác mỏ vật liệu.
"Trong Luật khoáng sản đã quy định đối với các công trình xây dựng, có thể lấy đất phần đào để chuyển sang phần đắp, không cấp giấy phép vật liệu xây dựng trong phạm vi phục vụ chính công trình đó. Luật đã lường trước thực tế và quy định rõ nhưng hiện nay khâu thực thi đang có vấn đề", ông Lại Hồng Thanh khẳng định.
Chia sẻ thêm, ông Thanh nhìn nhận, trên thực tế, có nhiều quy định pháp luật điều chỉnh cần phải rà soát. Ví như trình tự thủ tục thuộc thẩm quyền, Bộ TN&MT đã đưa ra quy định tiêu chuẩn giảm tối đa thời gian cấp phép cho các địa phương thực hiện.
Theo quy định của Luật Khoáng sản, quy định về tính tiền khai thác khoáng sản, trong quá trình thực hiện Nghị định hướng dẫn có sự sai khác và chênh lệch rất nhiều về giá tính thuế tài nguyên tại các địa phương. Bộ TN&MT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính đưa ra khung giá tính giá tài nguyên, tránh tình trạng quá chênh lệch giá giữa các địa phương đối với cùng một loại khoáng sản và có điều kiện tương tự.
Với hiện tượng các chủ mỏ tăng giá, ông Lại Hồng Thanh lưu ý các địa phương, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản một năm được điều chỉnh 6 tháng/lần. Do đó, UBND các tỉnh có thể điều chỉnh khung giá tài nguyên cho hợp lý với thực tế. Sau khi đã điều chỉnh vẫn thấy tăng giá chênh lệch thì hoàn toàn có quyền xem xét và xử lý.
Đối với mỏ cấp mới theo quy định Nghị định 158, cho phép điều chỉnh nâng công suất khai thác mỏ với thủ tục đơn giản trong thời gian rất nhanh. Còn đối với mỏ chưa cấp phép, theo quy định thì cho phép trường hợp đã được quy hoạch cho công trình hạ tầng giao thông, thuộc khu vực không cần đấu giá.
"Do đó, các địa phương căn cứ vào quy hoạch mỏ khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường để phê duyệt khu vực không đấu giá, cấp theo thủ tục không đấu giá, rút ngắn thời gian rất nhiều. Hệ thống quy định pháp luật về khoáng sản đã nhìn thấy những vấn đề, thực tế của địa phương, đã tiếp thu và chỉnh sửa cho phù hợp. Vấn đề là cách tổ chức thực hiện tại các địa phương", ông Lại Hồng Thanh nói.
Công trường thi công cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45. (Ảnh: VGP)
Giải pháp tình thế: Vận dụng vật liệu khác?
Trong tình hình cấp bách cần vật liệu thi công, ông Hoàng Tuấn Khoát cho biết, Ban Quản lý dự án 7 đã tận dụng nguồn đất đá thu được từ đào nền đường và nổ mìn phá đá, sau đó kiểm soát kích cỡ hạt và tận dụng các tiêu chuẩn đã thực hiện cũng như các chỉ dẫn của dự án để thi công nền đường.
"Hiện, chúng tôi đã thi công được khoảng 100 m và đang cùng với tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát hoàn chỉnh thi công, báo cáo Bộ GTVT trong tuần tới. Trước hết sẽ giải quyết được khó khăn về nguồn cung vật liệu và chủ động được tiến độ. Lợi ích khi tận dụng nguồn đất đá này được hơn 1 triệu m3, không ảnh hưởng tới môi trường và đặc biệt giá thành không vượt giá dự toán", ông Khoát cho hay.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án 7 cũng chia sẻ, với thực tế khảo sát công trường, đội ngũ nhà thầu đã thấy một số đoạn tuyến đi qua vùng đất nông nghiệp nhưng chất lượng canh tác kém. Trước đây tỉnh Bình Thuận đã cho phép tận thu đất đá trong đất nông nghiệp canh tác không hiệu quả. Và hiện nay một số hộ dân cũng có nhu cầu cải tạo, ví dụ như đào ao, nuôi cá, hạ cốt nền để canh tác các loại cây khác. Do vậy, nếu tận dụng những nguồn này cũng sẽ phần nào tháo gỡ khó khăn, đa dạng nguồn cung cấp vật liệu cho dự án.
Ông Thái Duy Sâm cho rằng, ngoài đất còn có thể sử dụng nguồn khác, như Quảng Ninh nói có thể dùng phế thải từ mỏ than. Ngoài ra, Việt Nam cũng còn nguồn chất thải tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện. Bộ Xây dựng cũng đã công bố tiêu chuẩn cho phép tro xỉ làm nền đường; hay các mỏ đá khai thác ngoài đá dăm, đá nghiền bê tông cũng có thể tận dụng; sử dụng nguồn phế thải tháo dỡ từ các công trình xây dựng… Nếu tận dụng được những nguồn này vừa tiết kiệm lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đối với các sáng kiến vận dụng nguồn vật liệu khác, ông Lê Quyết Tiến cho biết, hiện Cục Quản lý chất lượng xây dựng và công trình giao thông đang rà soát các nguồn vật liệu thay thế nêu trên.
"Về nguyên lý, vật liệu đưa vào dự án đúng tiêu chuẩn kỹ thuật là hoàn toàn được chấp thuận. Khi đưa vào dự án, các Ban QLDA, tư vấn giám sát sẽ tiến hành thực hiện thí nghiệm xem có đủ tiêu chuẩn không. Còn phía Bộ GTVT sẽ nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn hoặc vận dụng tiêu chuẩn có sẵn. Về giá thành, khi nghiên cứu áp dụng vật liệu mới thì nguyên tắc phải đảm bảo là giá rẻ hơn", ông Lê Quyết Tiến nói.
Mới đây, ngày 18/3, Văn phòng Chính phủ phát đi văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý tình trạng khan hiếm vật làm cao tốc Bắc - Nam. Ông Lê Quyết Tiến thông tin, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, Bộ GTVT đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.
Lãnh đạo Bộ GTVT đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh nơi có dự án đi qua, đề nghị UBND các tỉnh quan tâm, ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các điều kiện, thủ tục còn thiếu cho các mỏ đã được cấp phép nhưng chưa khai thác được, cấp phép khai thác (các mỏ đã có trong quy hoạch), nâng công suất khai thác mỏ (các mỏ đang khai thác có công suất nhỏ), gia hạn giấy phép mỏ (các mỏ đã hết hạn khai thác nhưng còn trữ lượng) để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu phục vụ thi công dự án.
Bộ GTVT đề nghị các địa phương chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các địa phương có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giá vật liệu xây dựng; có giải pháp, chế tài kịp thời và phù hợp để chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng.
Phía các Ban QLDA, Bộ GTVT đã yêu cầu chỉ đạo Tư vấn tiếp tục khảo sát các khu vực lân cận tuyến để tìm kiếm các mỏ có đủ điều kiện về chất lượng, trữ lượng, thực hiện các thủ tục đảm bảo đủ điều kiện khai thác vật liệu đắp.
Lập phương án điều phối đất để tận dụng ngay vật liệu đủ tiêu chuẩn đắp nền từ các vị trí đào trên tuyến điều phối sang để đắp các đoạn nền đắp, ưu tiên các đoạn phải gia tải xử lý nền đất yếu.
Nghiên cứu tận dụng đối với vật liệu đào đổ thải theo hướng có thể nghiền và phối trộn để đạt tiêu chuẩn đắp nền: Thử nghiệm sản xuất vật liệu đắp, thí nghiệm và thi công thử; so sánh về kinh tế-kỹ thuật làm cơ sở đề xuất thay đổi vật liệu để tận dụng tối đa khối lượng đào phải đổ thải nhằm tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường.
Sắp tới, trước khi chính thức khởi công thêm 4 dự án, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo tư vấn khảo sát kỹ hơn về nhu cầu vật liệu cũng như mỏ vật liệu để đưa vào hồ sơ.
"Phải nói thêm rằng, nhà thầu trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ dự thầu cần chủ động tìm kiếm nguồn vật liệu, qua đó giảm gánh nặng của chính mình trong quá trình thực hiện. Nếu phụ thuộc quá nhiều hồ sơ của tư vấn, nhà thầu có thể phải chịu tổn thất khi giá cả tăng. Nhà thầu cần cố gắng phát huy vai trò của mình. Nhưng trên hết, sự quan tâm vào cuộc của chính quyền địa phương là yếu tố mấu chốt quan trọng trong giải quyết khó khăn về vật liệu, cả về nguồn cung và quản lý giá", ông Lê Quyết Tiến chia sẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!