Khơi thông nguồn tài chính “xanh”

VTV Digital-Thứ ba, ngày 12/04/2022 10:02 GMT+7

VTV.vn - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện đang xây dựng các tiêu chí để ban hàng danh mục xanh, từ đó làm cơ sở thu hút các nguồn lực cho đúng và trúng.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, dự kiến sẽ cần khoảng 30 tỷ USD, trong đó ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30%, 70% còn lại từ các nguồn lực khác, trong đó chủ yếu là khu vực tư nhân.

Do đó, làm sao để huy động và hội tụ được các nguồn lực cho tăng trưởng xanh của Việt Nam là câu hỏi rất cần thiết lúc này. Đây cũng là chủ đề được thảo luận tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Viêt Nam - Vietnam Connect mới diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.

Với cam kết giảm phát thải khí nhà kính, các chuyên gia cho rằng sẽ mang lại nhiều lợi thế cho Việt Nam trong việc thu hút các nhà đầu tư. Thực tế, trong khuôn khổ các hoạt động của COP26, các định chế tài chính đã ký cam kết rót nhiều tỷ USD cho các chương trình, dự án tăng trưởng xanh tại Việt Nam.

Ông Alan Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho hay: "Tài chính xanh tôi nghĩ có ở khắp mọi nơi. Thách thức là làm sao để dự án có tài trợ. Giải quyết vấn đề này tôi nghĩ thứ nhất là góc độ chính sách và các nghị định; thứ hai là cơ chế hợp tác giữa các nhà đầu tư ngoại và doanh nghiệp trong nước: Một bên mang đến công nghệ, một bên mang đến cơ sở hạ tầng và sự hiểu biết tình hình địa phương".

Khơi thông nguồn tài chính “xanh” - Ảnh 1.

Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Viêt Nam - Vietnam Connect mới diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.

Đồng quan điểm với các ý kiến trên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện cơ quan này cũng đang xây dựng các tiêu chí để ban hàng danh mục xanh, từ đó làm cơ sở thu hút các nguồn lực cho đúng và trúng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư ở nhiều mặt.

"Cuối năm 2022 sẽ ban hành danh mục xanh. Danh mục xanh là danh mục cụ thể để cho doanh nghiệp biết rằng với từng danh mục theo NDC (Đóng góp do quốc gia tự quyết định) từ năng lượng, hạ tầng giao thông, công nghiệp, nông nghiệp cần làm như thế nào để đạt được tiêu chí xanh. Việt Nam sẽ cố gắng làm sao để hài hoà các tiêu chí xanh của NDC, World Bank và các nhà tài trợ khác", ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên Môi trường- Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay.

Ngoài cơ chế chính sách, nhiều ý kiến tại diễn đàn cũng cho rằng cần phải có sự chuẩn bị về đào tạo nhân lực mới có thể triển khai hiệu quả các dự án.

Theo cam kết, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 9% phát thải, nếu có sự hỗ trợ của quốc tế sẽ giảm 27% phát thải. Mục tiêu năm 2050, nước ta sẽ trung hoà carbon. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để doanh nghiệp hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước