Khơi thông vốn tín dụng cho dự án PPP cao tốc Bắc - Nam

Đức Chung - Trần Hiền-Thứ ba, ngày 15/09/2020 19:59 GMT+7

VTV.vn - Các dự án PPP cao tốc Bắc Nam đã giải phóng mặt bằng đạt 90% nhưng vốn tín dụng triển khai lại đang là vấn đề "đau đầu" của các cơ quan quản lý.

Đến thời điểm này, 5 dự án thành phần đầu tư theo hình thức hợp tác công tư – PPP của cao tốc Bắc - Nam đã giải phóng mặt bằng đạt hơn 90%. Tuy nhiên, vốn tín dụng để triển khai các dự án này đang là nút thắt lớn nhất của cả các cơ quan quản lý, hệ thống ngân hàng và các chủ đầu tư.

Chiều nay (15/9), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại (NHTM) để tìm giải pháp khơi thông dòng vốn này.

Đại diện Vụ Hợp tác công tư, Bộ GTVT cho biết, bình quân vốn tín dụng huy động cho các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam vào khoảng 3.100 tỷ đồng/dự án. Các dự án BOT, BT thường có vốn lớn, thời gian vay dài, những rủi ro trong thời gian qua cũng tác động lớn đến việc cho vay của các tổ chức tín dụng. Hơn nữa, dư nợ của ngành ngân hàng cho lĩnh vực giao thông cũng đã chạm ngưỡng.

Khơi thông vốn tín dụng cho dự án PPP cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 1.

5 dự án thành phần đầu tư theo hình thức hợp tác công tư – PPP của cao tốc Bắc Nam đã giải phóng mặt bằng đạt hơn 90%. Ảnh minh hoạ: Dân Trí.

Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ xử lý những bất cập tại các dự án BOT giao thông trước đây để làm cơ sở huy động vốn cho các dự án sau này, đồng thời lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực "khoẻ mạnh".

Hàng loạt giải pháp "đặc thù" gỡ nút thắt về vốn tín dụng cho dự án

Đây là lần đầu tiên thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư một cách công khai minh bạch, để khắc phục những vướng mắc của các dự án BOT trước đây, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp. Đó là hoàn thiện khung chính sách về đầu tư PPP, xây dựng Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật đầu tư theo hình thức hợp tác công tư để có thể ban hành vào ngày 1/1/2021. Với tiến độ giải phóng mặt bằng như hiện nay, đến cuối năm 2020, 100% mặt bằng sẽ được bàn giao cho các chủ đầu tư triển khai dự án.

Về phương án thu phí hoàn vốn, các dự án có thời gian hoàn vốn tối đa là 18 năm, không có dự án nào vượt ra ngoài 20 năm. Hình thức thu phí kín tính theo chiều dài sử dụng dịch vụ. Giá khởi điểm và giá cho từng thời kỳ cũng được đưa vào hợp đồng ngay từ đầu.

Khơi thông vốn tín dụng cho dự án PPP cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 2.

Nhà đầu tư sẽ phải chuẩn bị 20% tổng mức đầu tư của dự án. Ảnh minh hoạ: Dân Trí.

Nhà đầu tư được thu phí theo đúng khung giá đã cam kết trong hồ sơ mời thầu. Nhà đầu tư sẽ phải chuẩn bị 20% tổng mức đầu tư của dự án (thay vì chỉ 10% như trước đây). Lãi suất trong hợp đồng BOT được tính là mức bình quân lãi suất cho vay trung và dài hạn của 3 ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, BIDV và Vietinbank tại thời điểm trước 3 tháng khi ký hợp đồng. Mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu rơi vào 11,17%/năm.

Vẫn còn nhiều băn khoăn từ phía các ngân hàng thương mại

Theo đại diện Ngân hàng BIDV, trong các dự án ngân hàng này đang tài trợ vốn, nhiều dự án đã phải cơ cấu tại nhóm nợ, thậm chí có dự án đưa vào nhóm nợ xấu. Nguyên nhân chủ yếu phát sinh từ việc các dự án này không được tăng phí 3 năm/lần như cam kết ban đầu hay không có sự phân chia lưu lượng phương tiện sau khi hoàn thành đưa vào khai thác. Bên cạnh đó, việc mua bảo hiểm rủi ro cho tài sản không được tính vào chi phí vận hành, các nhà đầu tư không có kinh phí mua, gây khó khăn cho các ngân hàng.

"Hiện nay, BIDV đang tiếp nhận 5 đề xuất với tổng vốn vay hơn 17.400 tỷ đồng. Ngân hàng sẵn sàng xem xét những kiến nghị của Bộ GTVT để thẩm định và tài trợ cho dự án trên cơ sở dự án phải có hiệu quả và đáp ứng được các chính sách của BIDV và pháp luật.

Chúng tôi kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT sớm giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại trước đây để thu hồi nợ và tiếp tục tài trợ cho các dự án tiếp theo, đặc biệt là cao tốc Bắc - Nam", ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV cho hay.

Khơi thông vốn tín dụng cho dự án PPP cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 3.

Về phía ngân hàng vẫn còn nhiều băn khoăn trong vấn đề khơi thông vốn. Ảnh minh hoạ: Dân Trí.

Còn theo ông Nguyễn Khoa Đức Anh, Phó Giám đốc khối doanh nghiệp Ngân hàng Vietinbank, ngân hàng này hiện đã tài trợ 52.000 tỷ đồng cho 32 dự án BOT. Danh mục còn phải giải ngân thêm cho các dự án đang triển khai là trên 20.000 tỷ đồng. Như vậy đã chạm ngưỡng đặt ra là trên 72.000 tỷ đồng. Vietinbank sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét mở rộng giới hạn này.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng cần trình Chính phủ bổ sung thêm nguồn vốn cho các dự án không đạt được doanh thu như kế hoạch ban đầu. Một khi những điều khoảng trong hợp đồng được thực hiện theo đúng cam kết, Vietinbank mới có thể báo cáo khả năng tham gia.

"Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại cần có ý thức tài trợ cho các dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc – Nam khi đánh giá khoản cho vay an toàn hiệu quả. Tuy nhiên, theo luật, các tổ chức tín dụng sẽ toàn quyền tiến hành thẩm định và xem xét cho vay đối với các dự án có khả năng trả nợ và phù hợp với chiến lược kinh doanh của từng ngân hàng", đại diện Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng, các dự án PPP cao tốc Bắc – Nam trung bình đã được ngân sách Nhà nước tham gia 51% vốn, cộng thêm 20% vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư. Do đó, lượng vốn kêu gọi từ các ngân hàng chỉ vào khoảng 30% chứ không phải 90% như trước đây. Việc sẽ bàn giao 100% mặt bằng khi bắt đầu triển khai dự án cũng sẽ không còn vướng mắc kéo dài thời gian làm tăng chi phí đầu tư.

"Năng lực nhà đầu tư đã được chứng minh một lần thông qua sơ tuyển, một số ngân hàng đã tiếp nhận hồ sơ của các nhà đầu tư ở bước này thì cần tiếp tục có trách nhiệm "đồng hành" trong giai đoạn đấu thầu sau này", Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước