Không có CCP, không có nâng hạng thị trường chứng khoán?

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 01/11/2024 08:25 GMT+7

VTV.vn - Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), 80% hệ thống thanh toán trên toàn cầu đã áp dụng cơ chế CCP cho hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán.

Nhiều thay đổi trong Dự án Luật Chứng khoán Sửa đổi trình Quốc Hội trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Với nhiều điểm then chốt mà thị trường đang "nín thở" chờ ý kiến, như cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) để nâng hạng thị trường chứng khoán, hay bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân.

Chứng khoán là 1 ngành mang tính chất đặc thù, vậy nên nhiều thuật ngữ và câu chữ có phần khó hiểu với những ai chưa tham gia thị trường.

Không có CCP thì khả năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi là rất thấp. Vậy tại sao muốn nâng hạng thị trường lại cần CCP. Ở thị trường chứng khoán Việt Nam hiện yêu cầu cơ chế giao dịch thanh toán T+2 tức là đưa tiền mua cổ phiếu vào thứ 2 và thứ 4 nhận cổ phiếu về tài khoản. Tuy nhiên nhiều nhà đầu tư nước ngoài họ yêu cầu thực hiện theo thông lệ quốc tế là tiền trao hàng múc. Như vậy Việt Nam sẽ cần 1 mô hình thanh toán gồm sự có mặt của các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước, công ty chứng khoán, đơn vị lưu ký để đảm bảo tiền của nhà đầu tư được chuẩn bị sẵn sau giao dịch và khi hàng về, các nghĩa vụ mua bán đều được đảm bảo cho các bên.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), 80% hệ thống thanh toán trên toàn cầu đã áp dụng cơ chế CCP cho hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán. Mô hình CCP bản chất không lạ lẫm và khó hiểu, mà điều khó hiểu là bao năm nay Ngân hàng Nhà nước chưa cho các ngân hàng thương mại nước ngoài vào làm thành viên bù trừ của CCP.

Ông Nguyễn Khắc Hải - Giám đốc Khối phụ trách Luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho hay: "Về vấn đề CCP còn 2 nội dung chính. Thứ nhất là ngân hàng thương mại nước ngoài được làm thành viên bù trừ cho thị trường cơ sở. Vấn đề thứ 2 thì bên Trung tâm lưu ký lúc này trở thành trung tâm để thay mặt cho các bên để thực hiện việc thanh toán. Các bên sẽ phải ngồi lại với nhau xem quỹ thanh toán cần có là bao nhiêu để đảm bảo trong trường hợp 1 thành viên thị trường bị thất bại trong việc thanh toán thì cái quỹ đấy sẽ đủ để đáp ứng việc thanh toán".

Vấn đề CCP đã được Ban soạn thảo đưa vào dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi lần này sửa đổi, bổ sung điểm A khoản 4 Điều 56. Nhưng để phòng khi sau kỳ họp Quốc Hội này các bên lại không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề CCP, giải pháp tình thế đang được Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai là Thông tư 68, cho phép công ty chứng khoán thay ngân hàng làm nhiệm vụ bừ trừ thanh toán cho nhà đầu tư nước ngoài khi giao dịch.

Ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho hay: "Cái điểm chính của thông tư này là gỡ nút thắt rất lớn về yêu cầu phải có tiền ký quỹ trước khi thực hiện giao dịch. Vấn đề thứ 2 đấy là quyền được tiếp cận thông tim một cách bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài".

"Các nhà đầu tư tổ chức khi quyết định mua cổ phiếu thì họ đều có những tính toán và chiến lược rất rõ ràng. Có thể đến ngày họ mua thì giá cổ phiếu biến động ngoài kế hoạch mua của họ hoặc room của cổ phiếu đến hôm định mua thì hết room không mua được thì họ tốn rất nhiều chi phí để việc bán cổ phiếu ở những thị trường khác hoặc là chuẩn bị tiền để ở Việt Nam trong khi lại không thực hiện được lệnh mua. Nên khi thông tư này được triển khai, nhà đầu tư sẽ có những thuận lợi rất lớn khi tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam", ông Nguyễn Quang Bảo, Phó Tổng giám đốc, Cong ty cổ phần Chứng khoán Vietcap chia sẻ.

Tất nhiên đây là giải pháp trước mắt, cần chờ xem sau 2/11 khi có hiệu lực, phản ứng của thị trường ra sao với Thông tư 68, nhà đầu tư ngoại và các tổ chức xếp hạng có đồng tình với phương án "chữa cháy" này không. Còn về bản chất không có CCP, cơ hội nâng hạng theo chuẩn FTSE và xa hơn là MSCI của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức.

Không có CCP, không có nâng hạng thị trường chứng khoán? - Ảnh 1.

Không có CCP, cơ hội nâng hạng theo chuẩn FTSE và xa hơn là MSCI của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức.

So với những năm trước, mức độ nở rộ của các nhóm chứng khoán trên các mạng xã hội hoặc các phương tiện liên lạc như Zalo, Viber, Facebook, Telegram… ngày càng mạnh hơn. Từ các hội nhóm cũng là môi trường cho việc thao túng giá chứng khoán trong giao dịch. Những chiêu trò tương tự, và dù đã cũ nhưng vẫn có những nạn nhân mới, nhất là những nhà đầu tư thích "lướt sóng", kiếm lợi nhuận nhanh nên dễ bị sập bẫy. Do đó, để ngăn chặn, hạn chế rủi ro trong hoạt động của thị trường chứng khoán, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư thì rất cần "luật hóa" quy định chi tiết các hành vi thao túng để đồng bộ với Bộ luật Hình sự.

Dự thảo luật chứng khoán sửa đổi lần này quy định rõ ràng: hành vi thao túng thị trường chứng khoán, gồm một, một số hoặc tất cả các hành vi: Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo; Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường; Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán; Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó; Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

Những động thái bảo vệ như trên có lẽ đều nhận được sự ủng hộ của thị trường, nhưng bảo vệ nếu bị sử dụng 1 cách quá mức có thể biến thành kìm hãm. Liên quan tới những sửa đổi về luật ở thị trường trái phiếu, đề xuất ban đầu có đưa ra rằng nhà đầu tư cá nhân không được phép tham gia mua, bán trái phiếu riêng lẻ, với kỳ vọng sẽ giúp thị trường chứng khoán phát triển bền vững, minh bạch hơn. Tuy nhiên trước nhiều góp ý việc dừng đột ngột hoạt động mua trái phiếu riêng lẻ của nhà đầu tư cá nhân có thể khiến thị trường trái phiếu chưa kịp thích ứng, Bộ Tài chính cho biết sẽ bỏ đề xuất kể trên và luật cũng sẽ có các nâng cấp về chất lượng của sản phẩm đầu tư này.

Ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài Chính cho biết: "Để các nhà đầu tư chuyên nghiệp bất kể tổ chức hay cá nhân đề có thể tham gia thì trái phiếu đó phải được xếp hạng. Bên cạnh đó phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán của các tổ chức tín dụng. Chính sách mới đưa ra cần thời gian để thị trường thích ứng. Quy định này dự kiến trình Quốc hội có hiệu lực từ 1/1/2026".

Dự kiến tuần sau Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ tiếp tục được bàn luận tại nghị trường Quốc hội, thông tin chi tiết sẽ tiếp tục được chúng tôi cập nhật gửi đến độc giả trong các bài tiếp theo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước