Không có "cơ chế" xóa nợ, che nợ xấu tại CIC

VTV Digital-Chủ nhật, ngày 02/07/2023 12:23 GMT+7

VTV.vn - Thiếu hiểu biết về thông tin tín dụng, nhiều người đã mắc bẫy, xóa nợ xấu tại CIC.

Xuất hiện tình trạng lừa đảo dịch vụ xóa nợ xấu

CIC là viết tắt của Trung tâm Thông tin Tín Dụng quốc qua. Hiểu một cách đơn giản, trung tâm này có tất cả dữ liệu về hoạt động cho vay của hệ thống tổ chức tài chính. Ví dụ như khách hàng A đang vay vốn của những ngân hàng nào, tài sản đảm bảo có bị cầm cố ở nhiều ngân hàng hay không… Một trung tâm với vai trò quan trọng như vậy nhưng không phải ai trong chúng ta cũng hiểu rõ. Trên thực tế, thời gian vừa qua, một số đối tượng đã lợi dụng hình ảnh của CIC để lừa đảo.

Theo đó, có nhiều khách hàng phản ánh về việc một số đối tượng sử dụng hình ảnh của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) để tư vấn cấp tín dụng, hoặc được chào mời sử dụng các dịch vụ sửa, xóa thông tin nợ xấu trên một số trang mạng xã hội.

Không có cơ chế xóa nợ, che nợ xấu tại CIC - Ảnh 1.

Chị Phương Anh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) là chủ một cửa hàng quần áo. Do cần tiền để nhập hàng, mở rộng kinh doanh, chị đã đến ngân hàng để vay 300 triệu đồng nhưng đã bị từ chối, vì vài tháng trước chị có nợ xấu nhóm 4 tại một ngân hàng khác. Chị đã tìm kiếm trên mạng và thấy nhiều quảng cáo về dịch vụ "xóa nợ xấu" tại CIC.

"Như trường hợp của tôi, chỉ cần bỏ ra 10 triệu đồng, sau một ngày nợ xấu của tôi sẽ được xóa hoàn toàn và dễ vay vốn hơn. Tôi đồng ý trả trước 50% phí dịch vụ là 5 triệu đồng. 3 ngày sau, tôi không nhận được bất kỳ phản hồi nào và cũng không thể liên lạc với họ. Lúc này tôi mới biết mình đã bị lừa", chị Phương Anh cho biết.

Còn chị Nguyễn Thị Thu Hà (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), do trễ hẹn thanh toán trả góp mua nhà nên chị đã không thể tiếp tục vay tiền ở các ngân hàng khác. Chị đã tìm tới dịch vụ xoá nợ xấu trên mạng với cam kết "tạo hồ sơ sạch, lo từ A - Z".

Chị Hà cho hay: "Phí họ đưa ra là 12 triệu đồng. Sau một hồi tư vấn, tôi được họ giảm giá và chốt là 9 triệu đồng. Tôi tin lời họ sẽ xóa nợ xấu cho mình, sau này sẽ không ảnh hưởng đến việc vay vốn của các ngân hàng nên tôi đồng ý trả tiền cho họ nhưng sau đó mới biết đã bị sập bẫy của những người lừa đảo".

Sau COVID-19, nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp tăng cao để phục vụ tiêu dùng, phục hồi sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, dịch vụ xóa nợ xấu hay che nợ xấu này càng được quảng cáo rộng rãi, phổ biến dưới nhiều hình thức.

Trao đổi với phóng viên VTV về thực tế trên, ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) khẳng định: "Tôi có thể khẳng định việc che nợ xấu, xóa nơ xấu tại CIC là không thể thực hiện được bởi cơ sở dữ liệu của CIC hiện nay được kiểm soát qua 3 lớp an ninh bảo mật rất chắc chắn và theo những quy định của pháp luật. 

Mọi việc sửa đổi thông tin hay điều chỉnh thông tin của khách hàng đều thực hiện đúng quy định tại Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước và thông tin chỉ được sửa khi có sai sót thực sự tại tổ chức tín dung và phải có văn bản có chữ ký của người có thẩm quyền".

Không thể tùy tiện can thiệp thông tin tín dụng trên CIC

Thông tin tín dụng thường bị ghi nợ xấu nếu khách hàng không trả nợ khoản vay đúng hạn tại các ngân hàng, tuy nhiên không chỉ giao dịch ở ngân hàng mới bị ghi nhận điểm tín dụng.

"Để cho vay, ngân hàng phải kiểm tra điểm tín dụng của khách hàng, nếu một người dân nào đó đã bị nhảy nhóm nợ xấu thì ngân hàng không thể cho vay. không thể cấp tín dụng. Người dân có thể vay tiền ở các công ty tài chính, nếu nó trở thành nợ xấu thì thông tin cũng sẽ được chuyển đến CIC. Chính vì thế, chúng ta cần phải thận trọng, tránh để rơi vào nợ xấu, tránh điểm tín dụng của chúng ta bị hạ thấp", ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam, cho biết.

Không có cơ chế xóa nợ, che nợ xấu tại CIC - Ảnh 2.

Không chỉ dùng để vay vốn, thông tin tín dụng còn có giá trị trong nhiều trường hợp. Chị Hương (TP Hà Nội) đang ứng tuyển vào làm việc tại một doanh nghiệp nước ngoài, đơn vị này yêu cầu chị phải cung cấp thông tin tín dụng. Chị đã lên mạng tra cứu và tìm thấy dịch vụ tra cứu với mức phí 300.000 đồng cho mỗi một báo cáo. Rất may sau đó chị đã liên hệ được với CIC và biết trang thông tin này là giả mạo.

"Tôi hoàn toàn có thể khai thác được thông tin tín dụng của mình, miễn phí mỗi năm một lần và từ lần hai cũng chỉ là 22.000 đồng/bản báo cáo", chị Nguyễn Thị Thanh Hương, TP Hà Nội, chia sẻ.

Có thông tin tín dụng tốt là cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính tốt hơn, cơ hội việc làm và hợp tác tốt hơn. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên hiểu rõ và thường xuyên cập nhật thông tin này của mình hàng năm.

"Để cải thiện điểm tín dụng của mình, đối với người dân và doanh nghiệp phải hiểu điểm tín dụng là gì và các yếu tố tác dụng lên điểm tín dụng của mình, qua đó có thể tăng cường và phát huy các yếu tố tác động tích cực và tiêu cực đến điểm tín dụng...", ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) cho biết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước