Giảm 30% số lệnh vào thị trường
Số liệu từ HSX, số lệnh chỉnh sửa hay hủy chiếm tỷ lệ khoảng 30% trong mỗi phiên giao dịch. Số liệu cho thấy, tỷ lệ này cũng biến động theo từng phiên, nhưng biên độ dao động không lớn, trong khoảng từ 27 - 33%, tùy theo diễn biến thị trường.
Động thái này, nếu áp dụng, sẽ khiến các loại lệnh do robot, áp dụng thuật toán tự động sẽ khó thực hiện hơn. Tinh trạng này sẽ làm hạn chế những lệnh không xuất phát từ việc mua bán đơn thuần: chẻ nhỏ lệnh, rải lệnh, làm giá thị trường…
Một số nhà đầu tư cá nhân đánh giá, giải pháp mới của HSX cũng có thể coi là giải pháp "đỡ dở" nhất lúc này. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Giải pháp này được đánh giá hoàn toàn mang tính kỹ thuật, trong phạm vi quyền hạn của HSX nên có thể tiến hành ngay lập tức, nhằm giúp giao dịch trên thị trường bớt tình trạng nghẽn lệnh, ảnh hưởng lớn tới tâm lý đầu tư suốt mấy tháng nay.
"Bước lùi" về quá khứ?
Trong quá khứ, giai đoạn mới thành lập thị trường từ 2000 - 2007, chính sách không chỉnh sửa, không hủy lệnh trong suốt thời gian giao dịch cũng đã từng được triển khai.
Hiện nay, trong phiên ATO và ATC cũng đang áp dụng chính sách này. "Mới" mà "cũ", "lạ" mà vẫn "quen", nếu cơ quan quản lý đưa thị trường trở lại với một chính sách đã từng phải điều chỉnh trong quá khứ, nhà đầu tư sẽ phải cẩn trọng hơn rất nhiều trước mỗi quyết định mua bán của mình, vì một khi đã sai, sẽ không có cơ hội sửa chữa.
Không hủy lệnh, giải pháp "đỡ dở" hơn lúc này?
Nếu không được hủy lệnh chắc chẵn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nhà đầu tư trên thị trường. Đặc biệt trong giai đoạn thị trường nhiều biến động như hiện nay, các nhà đầu tư cần thực hiện lệnh theo các diễn biến, các thông tin trên thị trường.
Tình trạng nghẽn lệnh xuất hiện với mật độ ngày càng dày và thời gian ngày càng dài trên HSX. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Một số nhà đầu tư cá nhân đánh giá, giải pháp mới của HSX cũng có thể coi là giải pháp "đỡ dở" nhất lúc này, dù cũng có nhiều điểm trừ kèm theo. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng biện pháp này sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý thị trường và hình ảnh thị trường bị méo mó, đặc biệt trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài và thiên về phương án nâng lô giao dịch lên 1.000 chứng khoán.
HSX cho biết sẽ lắng nghe ý kiến các thành viên thị trường trước khi đưa ra các quyết định cuối cùng. Thực tế, phải chờ đợi nhiều tháng nữa, hệ thống giao dịch mới của HSX mới có thể đưa vào vận hành. Vấn đề lúc này là chọn ra được giải pháp nào để giao dịch của nhà đầu tư trên thị trường sớm được thông suốt.
Tình trạng nghẽn lệnh giao dịch trên HSX xuất hiện ngày càng dày đặc. Theo quan sát, phiên 4/3, bảng điện HSX bị chậm, treo, trả kết quả không đúng, kéo dài từ 10h15 - 10h45, quay trở lại bình thường được hơn 10 phút lại gặp sự cố. Phiên hôm nay (5/3), hiện tượng này cũng xuất hiện ngay 15 phút sau phiên mở cửa, cho thấy vấn đề không hẳn chỉ ở thanh khoản.
Hiện hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đang xử lý được 20 - 30 triệu lệnh/phiên, tức gấp hơn 20 lần năng lực hệ thống của Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh.
Theo một số thành viên lâu năm và phụ trách về công nghệ trên thị trường, có vẻ việc hoán đổi toàn bộ danh mục của sàn HSX qua HNX và ngược lại là giải pháp dễ làm, không tốn kém lúc này. HNX chỉ cần điều chỉnh biên độ dao động là xong và việc này đơn thuần được xử lý giữa 2 Sở, các nhà đầu tư trên thị trường sẽ hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!