Năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản dự kiến đạt cao kỷ lục hơn 62 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới là 18,6 tỷ USD. Đây là kết quả của quá trình nỗ lực chuyển đổi tư duy, chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị. Đồng thời cũng là kết quả của quá trình đàm phán, mở cửa thị trường cho rất nhiều loại nông sản chủ lực, điển hình như sầu riêng, dừa và tổ yến.
Trong tổng số hơn 62 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của nước ta trong năm nay, một nửa trong số đó là nhóm hàng nông sản đạt trên 30 tỷ USD. Các mặt hàng chủ lực của ta bao gồm trái cây, cà phê, hồ tiêu, gạo, điều luôn có mức giá cao khiến bà con nông dân rất phấn khởi. Nhưng từ đây, nguy cơ tăng nóng diện tích để chạy theo giá cả, đòi hỏi các địa phương phải có giải pháp để kiểm soát.
Xu hướng tăng giá cà phê từ đầu năm đã kéo theo tình trạng tăng nóng diện tích
Tại các vùng trọng điểm nông nghiệp, giá cà phê nhân đã vượt 120.000 đồng/kg, hồ tiêu đạt 147.000 đồng/kg, sầu riêng đang dao động từ 70.000 - 100.000 đồng/kg tùy loại. Nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên đã đạt mức giá cao gấp ba lần so với hai năm về trước. Còn với nông dân vùng cao Sơn La, những ngày cuối năm, lần đầu tiên giá xác lập kỷ lục lên 23.000 đồng/kg quả tươi.
Xu hướng tăng giá từ đầu năm đã kéo theo tình trạng tăng nóng diện tích. So với năm ngoái, diện tích cà phê đã tăng thêm 10.000 ha, diện tích sầu riêng tăng thêm gần 20.000 ha. Nhiều nơi, sầu riêng trồng cả ở vùng có nguy cơ nhiễm mặn, cà phê trồng ở vùng thiếu nước tưới.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: “Việc phát triển quá nóng này, chúng tôi rất quan ngại khi giá cả lên cao thì người dân sẽ có thói quen tăng sử dụng phân bón hóa học để làm sao thâm canh. Do vậy, chúng ta phải thông tin đến bà con nông dân về tình hình thị trường và quy mô sản xuất”.
Thực tế đang đòi hỏi trách nhiệm của từng địa phương trong kiểm soát và định hướng sản xuất cho người dân. Bài học từ cây hồ tiêu phát triển diện tích quá nóng khiến ngành hàng này từng thất bại nặng nề cần phải được nhận diện cho các cây trồng khác.
Ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: “Cà phê có thể lên giá, có thể đưa giá trị kinh tế cao nhưng không phải chỗ nào cũng trồng được cà phê. Tại Sơn La đã khởi tố vụ án, xử lý hành chính trong vùng Chiềng Ban Mai Sơn khi bà con lấn vào rừng để trồng cà phê, xử lý nghiêm túc những việc này sẽ hạn chế tối đa việc có lợi nhuận cao lại mở rộng”.
Hiện không còn quy hoạch theo từng cây trồng. Vì thế, bám sát đề án phát triển cây ăn quả và cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 được Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn ban hành là cơ sở quan trọng để phát triển nông sản bền vững, tránh tăng nóng diện tích.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!