Những diễn biến mới xung quanh Ukraine đang thổi bùng lên ngọn lửa giao dịch nóng tại các sàn giao dịch của New York.
Trang CNBC cho biết, dầu thô WTI giao sau của Mỹ đã tăng giá hơn 3% giá trị đạt đỉnh 96 USD/thùng. Dầu Brent biển Bắc có thời điểm lên tới 99,5 USD.
Chuyên gia kinh tế của Moody's ước tính căng thẳng địa chính trị đã đóng góp từ 10 - 15 USD lên giá mỗi thùng dầu và nếu còn tiếp tục thì giá sẽ leo cao. Điều này ảnh hưởng xấu các nền kinh tế lớn của châu Á, vì hầu hết các nền kinh tế này đều đang phải nhập khẩu dầu.
Theo Nhật báo phố Wall, những căng thẳng này cũng làm gia tăng các rủi ro cho cả kinh tế toàn cầu.
Từ chứng khoán tới các loại hàng hóa, nhiều thị trường đều đang biến động mạnh trước những diễn biến từ vấn đề Ukraine. (Ảnh minh họa - Ảnh: Sky News)
Theo bài báo, việc Đức hoãn vô thời hạn chứng nhận đường ống dẫn dầu Nord Stream 2 của Nga sang Đức để trả đũa và Liên minh châu Âu xem xét các biện pháp trừng phạt sâu hơn với Nga sẽ làm tình hình xấu hơn. Bởi các nền kinh tế châu Âu phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga. Căng thẳng cũng sẽ gây khó thêm cho các ngân hàng trung ương như FED và ECB, bởi hai ngân hàng này đang tính rút lại chính sách nới lỏng tiền tệ do lạm phát cao.
Căng thẳng leo thang, hay thậm chí có thể xảy ra một cuộc xung đột sẽ khó làm cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) rút lại kế hoạch tăng lãi suất dự kiến vào ngày 16/3 tới. Tuy nhiên những bất ổn về kinh tế sẽ khiến cơ quan này khó có thể tăng lãi suất với mức cao. Còn đối với thị trường chứng khoán, các chuyên gia cho rằng, sự kiện này không quá đáng lo.
Bloomberg trích lời các nhà phân tích rằng đây là cơn "đau đầu" ngắn hạn, chứ không phải lâu dài. Chiến lược gia tại Anh nhận định, chứng khoán phải đối mặt với rủi ro nhất định, trừ khi nguồn cung năng lượng của Nga bị cắt hết. Thị trường sẽ tập trung nhiều hơn vào lạm phát, biên lợi nhuận của doanh nghiệp và chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng.
Nói như Steve Clayton của Quỹ HL Select, Anh, việc Nga điều quân tới biên giới Ukraine là không đơn giản, nhưng những căng thẳng và bất ổn thường chỉ kéo dài một thời gian nhất định.
Trong khi đó Marketwatch đưa ra 3 bài học đối với nhà đầu tư trong cuộc khủng hoảng lần này. Một là học từ cuộc khủng hoảng dịch tháng 3 năm 2020, nên không làm gì cả và đừng sợ hãi. Thứ hai là xem lại kế hoạch đầu tư, nghĩa là nếu kế hoạch đầu tư là dài hạn thì đừng để ý tới nhiễu động tạm thời. Nếu là ngắn hạn thì cũng nên xem rổ đầu tư đã đủ đa dạng chưa? Cuối cùng là bắt tiền làm việc. Nếu có tiền để đầu tư, đừng đợi thêm nữa, bởi bạn có thể sẽ không nắm được thời điểm đáy để bắt đầu đầu tư.
Việc tiếp tục chờ đợi thời điểm hoàn hảo nhất cũng có thể sẽ bị muộn, bởi các cuộc khủng hoảng thường xấu đi, trước khi tốt trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!