Lần đầu tiên trong 30 năm, những doanh nghiệp bán bánh mỳ tại Ai Cập cân nhắc việc tăng giá loại thực phẩm thiết yếu này. Ai Cập là quốc gia nhập khẩu nhiều lúa mỳ nhất thế giới. Năm ngoái, nước này nhập khẩu 5,5 triệu tấn lúa mỳ và bạn hàng tin cậy nhất chính là Nga và Ukraine. Vì thế, căng thẳng leo thang tại Đông Âu đang tác động trực tiếp tới giá của chiếc bánh mỳ tại Ai Cập.
Ông Robert Halver, chuyên gia phân tích thị trường tại Baader Bank, cho biết: "Tác động của căng thẳng Nga - Ukraine đang rõ rệt hơn từng ngày, không phải chỉ ở mỗi các trạm xăng hay hoá đơn tiền điện sưởi ấm hàng tháng đâu. Cái quan trọng hơn cả là thức ăn. Thức ăn sẽ đắt hơn. Lúa mỳ chẳng hạn. Việc trồng trọt và thu hoạch lúa mỳ tại Ukraine đáng lẽ giờ này đang diễn ra nhưng thực tế đương nhiên là không thể được vì đang có chiến sự. Điều này có nghĩa là trong tương lai, chúng ta sẽ phải chi trả nhiều tiền hơn hẳn cho những loại thực phẩm cơ bản và điều này sẽ góp phần đẩy lạm phát lên cao hơn".
Đây sẽ là tin không mấy tốt đẹp đối với nhiều người dân khu vực Trung Đông và châu Phi, đặc biệt là những người dân vốn đã sống trong lằn ranh nghèo khổ.
Khí đốt có vai trò quan trọng đối với nông nghiệp. Ngoài việc là nhiên liệu cho vận tải lương thực, khí đốt còn được dùng để tạo ra nguyên liệu phân bón. Công ty Yara International có trụ sở tại Na Uy, chuyên sản xuất phân bón hoá học, nhưng mới đây đã phải cắt giảm 45% công suất phân ure và amoniac tại châu Âu do giá nhiên liệu khí đốt tăng cao.
Bà Johanna Mendelson Forman, Giảng viên trường American University, nói: "Bạn chẳng thể trồng lúa mỳ, lúa mạch hay đậu nành mà thiếu phân bón được. Chúng ta từng hưởng thụ việc toàn cầu hóa khi giao dịch mọi nhu yếu phẩm cần thiết với nhiều bạn hàng trên thế giới. Thế nhưng giờ đây mọi chuyện sẽ khác, tất cả mọi người, kể cả những nước giàu, sẽ cảm nhận được khủng hoảng lương thực dần gia tăng như thế nào từ giá của các mặt hàng nhu yếu phẩm trên kệ".
Tình hình lương thực thế giới đang phải đối mặt với không chỉ một trở ngại mang tên Nga - Ukraine mà còn nhiều khó khăn khác. Hạn hán ở Nam Mỹ, cộng với sự trì trệ của chuỗi cung ứng sau 2 năm nằm im vì dịch bệnh và bây giờ là căng thẳng địa chính trị. Tất cả những điều đó khiến chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu rất có thể rơi vào khủng hoảng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!