Khủng hoảng nhân lực ngành bán dẫn

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 16/08/2024 07:15 GMT+7

VTV.vn - Tình trạng thiếu hụt lao động có thể khiến các nhà cung cấp khó theo kịp nhu cầu ngày càng tăng về chip, đặc biệt là khi trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục bùng nổ.

Khủng hoảng nhân lực ngành bán dẫn

Là "huyết mạch" của nền kinh tế số, ngành bán dẫn đang đóng một vai trò chủ chốt. Theo dự báo, trong những năm tới, thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng với mức tăng hai con số, để đạt mức 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Cùng với sự phát triển của ngành, nhu cầu lao động bán dẫn luôn ở mức cao. Theo công ty phân tích dữ liệu McKinsey, từ năm 2018 đến 2022, số lượng tin tuyển dụng về vị trí kỹ thuật bán dẫn đã tăng vọt, với tốc độ hơn 75%. Tuy vậy, có một nghịch lý là nhân lực bán dẫn lại đang thiếu hụt trên toàn cầu, ngay cả ở những quốc gia phát triển và các tập đoàn công nghệ lớn.

Sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp bán dẫn tại Mỹ có khả năng bị kìm hãm bởi một cuộc khủng hoảng nhân lực đang rình rập. Một nghiên cứu mới của McKinsey phát hiện ra rằng có tình trạng thiếu hụt tiềm tàng từ 59.000 đến 146.000 công nhân, kỹ thuật viên và kỹ sư trong ngành bán dẫn trong nước vào năm 2029.

Tình trạng thiếu hụt lao động có thể khiến các nhà cung cấp khó theo kịp nhu cầu ngày càng tăng về chip, đặc biệt là khi trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục bùng nổ. Theo phân tích của McKinsey, Mỹ chỉ có khoảng 1.500 kỹ sư tham gia ngành chip mỗi năm. Đối với các kỹ thuật viên chip, con số đó thậm chí còn thấp hơn khi chỉ có khoảng 1.000 kỹ thuật viên mới gia nhập lực lượng mỗi năm. Trong 5 năm tới, nhu cầu về lực lượng lao động này dự báo sẽ lên tới 75.000 người. Trong khi đó, lực lượng lao động sản xuất chip của Mỹ đã giảm 43% so với mức đỉnh của năm 2000.

Tại Hàn Quốc, quê hương của nhà sản xuất chip Samsung Electronics, ngành công nghiệp chip đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt kể từ năm 2022 và dự kiến sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động là 56.000 người vào năm 2031.

Xu hướng nhân khẩu học cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến nguồn nhân lực ngành bán dẫn. Cả Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, nơi TSMC và Samsung có hầu hết công nhân làm việc, đang phải đối mặt với tình trạng dân số giảm. Số lượng sinh viên đăng kí học đại học đã giảm hàng năm kể từ năm 2012. Hai quốc gia này chiếm hơn 80% sản lượng chip theo hợp đồng toàn cầu. Tình trạng thiếu hụt công nhân cũng đã đẩy lùi ngày khởi công nhà máy Arizona của TSMC.

Khủng hoảng nhân lực ngành bán dẫn - Ảnh 1.

Mỹ tăng cường đào tạo nhân lực ngành bán dẫn

Tại Mỹ, nguyên nhân sâu xa là do quá trình toàn cầu hoá, cạnh tranh chi phí sản xuất và chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn đã khiến hàng loạt công ty chế tạo chip của Mỹ dịch chuyển chuỗi sản xuất và chia sẻ công nghệ sang châu Á vào những năm 90. Lực lượng lao động ngành này ở Mỹ vì vậy liên tục giảm trong hơn thập kỷ sau đó. Đến mức ngành chế tạo chất bán dẫn trở nên thui chột trên thị trường lao động. Cho nên Mỹ dù vốn là nôi của sản xuất chip, nhưng giờ lại đi sau về năng lực sản xuất trong ngành công nghiệp có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế và an ninh như chất bán dẫn. Trên thế giới, tình trạng thiếu hụt lao động cho ngành này lan rộng và bộc lộ rõ khi đại dịch Covid-19 làm bùng nổ nhu cầu sản xuất chip cho các thiết bị điện tử thông minh.

Vấn đề là đào tạo nhân lực cho ngành này không đơn giản và không thể một sớm một chiều, đòi hỏi lao động phải được đào tạo sâu rộng, phức tạo với trình độ kỹ thuật cao. Trong khi đó, việc thiết lập và vận hành các nhà máy sản xuất chip bán dẫn cũng cần chi phí đầu tư rất lớn. Không phải quốc gia nào cũng có điều kiện để tập trung nguồn lực cho ngành này.

Vài năm trở lại đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã thực thi một số biện pháp để phục hồi năng lực sản xuất Chip bán dẫn nội địa. Trong đó, bước đi đáng kể nhất là ban hành đạo luật CHIPS và khoa học năm 2022 với khoản đầu tư hơn 52 tỷ USD để hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và sản xuất chip bán dẫn tại Mỹ. Đi kèm với đó là chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này, tập trung vào việc mở rộng các chương trình đào tạo tại các trường đại học và cao đẳng cộng đồng.

Thêm nữa là các dòng vốn mồi, ưu đãi tài chính nhằm khuyến khích các công ty sản xuất chip mở rộng hoạt động tại Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng đi sâu hợp tác với các ngành công nghiệp và tổ chức giáo dục để phát triển các chương trình đào tạo chuyên ngành, nhằm vào việc chuẩn bị lực lượng lao động cho các yêu cầu cụ thể. Đáng chú ý là việc phát triển ngành sản xuất chất bán dẫn trong nước nhận được sự đồng thuận lưỡng đảng ở Mỹ. Do đó, họ xây dựng được chiến lược dài hạn để vừa hỗ trợ phát triển bên trong, thiết lập các hàng rào ngăn chặn, kiềm chế các đối thủ cạnh tranh, tìm cách khôi phục vị thế hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực này.

Trong bối cảnh hiện nay, ngành công nghiệp bán dẫn đang có xu hướng đa dạng hóa, chuyển dịch chuỗi liên kết, cung ứng, sản xuất, nghiên cứu sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội và cũng là thách thức với Việt Nam, khi đòi hỏi phải có hạ tầng, thể chế và nhân lực phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn. Do đó, nếu chúng ta chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, thì Việt Nam sẽ nhận được sự tin tưởng của các đối tác, xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng bán dẫn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước