Đông Nam Á chạy đua hút vốn vào ngành bán dẫn

Anh Quang-Thứ tư, ngày 04/10/2023 07:30 GMT+7

VTV.vn - Đông Nam Á đang được xem là một trong những cứ điểm quan trọng trên bản đồ bán dẫn toàn cầu.

Thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng 2 con số trong những năm tới để đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Đây là dự báo được Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á đưa ra. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19, cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, cuộc xung đột ở Ukraine đã và đang góp phần gây ra sự gián đoạn lớn đối với chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Chính vì vậy, xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong ngành bán dẫn đã đang được nhiều tập đoàn sản xuất chip lựa chọn như một chiến lược mới để tồn tại.

Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á, dự báo đến năm 2026 sẽ có thêm 6 nhà máy chế tạo chip được xây dựng mới tại khu vực ASEAN, qua đó đưa ASEAN trở thành khu vực có tăng trưởng công suất lắp đặt lớn nhất so với các khu vực khác trên thế giới.

"6 nhà máy chế tạo chip mới này sẽ đặt tại Singapore và Malaysia. Các quốc gia này đều sở hữu hạ tầng, công nghiệp phụ trợ và nguồn kỹ sư chất lượng cao. Đây đều sẽ là những dự án lớn, với giá trị từ 3 - 5 tỷ USD", ông Clark Tseng, Giám đốc cấp cao nghiên cứu thị trường, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á, cho biết.

Đông Nam Á chạy đua hút vốn vào ngành bán dẫn - Ảnh 1.

Dự báo trong năm 2023, doanh số chip toàn cầu sẽ giảm khoảng 15%. (Ảnh minh họa - Ảnh: businessinsider)

Singapore và Malaysia hiện nằm trong top 10 trung tâm sản xuất bán dẫn lớn nhất về sản xuất tấm wafer khi chiếm lần lượt 11% và 7% thị trường chip toàn cầu.

Thu hút FDI liên quan đến các sản xuất bán dẫn đang là chiến lược trọng tâm được các thành viên còn lại của ASEAN đưa ra thời gian qua, thông qua giảm thuế doanh nghiệp, thuế thuê nhà xưởng và nhiều ưu đãi khác.

Indonesia đang nhanh chóng nổi lên như một cơ sở sản xuất thiết bị bán dẫn sau khi thông qua chiến lược "Chế tạo Indonesia 4.0".

Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá có lợi thế nguồn lao động điện tử dồi dào, với mục tiêu đến năm 2030, cung cấp 50.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn.

Còn tại Philippines, thiết bị bán dẫn đang chiếm 70% lượng hàng điện tử xuất khẩu của nước này. Chiến lược nâng cấp cơ sở lắp ráp và thử nghiệm thiết bị bán dẫn cũng đang là trọng tâm phát triển.

Thái Lan tập trung vào việc thu hút các công ty tham gia vào quy trình đầu cuối, chẳng hạn như thiết kế tấm wafer - tấm nền silicon để làm chip.

"Thực tế đang cho thấy, tại Singapore và Malaysia thiếu hụt khoảng 300 - 500 kỹ sư thiết kế. Đây là cơ hội cho những quốc gia khác, trong đó có VIệt Nam. Hiện nhiều tập đoàn như Samsung, Synopsys… đã mở các trung tâm thiết kế chip tại Việt Nam. Khoảng 1.000 kỹ sư đã được tuyển dụng. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao rất quan trọng", ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc Kinh doanh khu vực Nam Á, Tập đoàn Synopsys, Mỹ, nhận định.

Dự báo trong năm 2023, doanh số chip toàn cầu sẽ giảm khoảng 15%. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ cải thiện trong năm 2024, với dự báo sẽ tăng khoảng 25%, do sự gia tăng cầu và các thiết bị bộ nhớ. Đây là cơ hội để Đông Nam Á có thể thu hút thêm dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực này trong thời gian tới.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam trong “làn sóng” công nghiệp bán dẫn? Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam trong “làn sóng” công nghiệp bán dẫn?

VTV.vn - Hãng nghiên cứu Gartner dự báo đến năm 2029, ước tính tổng giá trị thị trường bán dẫn toàn cầu có thể đạt 1.400 tỷ USD, hơn gấp đôi so với hiện tại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước