Trung Quốc tiến hành tái cơ cấu ngành sắt thép trong bối cảnh ngành công nghiệp sản xuất thép của thế giới đang trải qua một cuộc khủng hoảng dư thừa sản lượng, kéo dài và tồi tệ. Giá thép thế giới đang ở mức thấp nhất trong 12 năm.
Ông Sebastien Marlier, chuyên gia kinh tế hàng hóa, tạp chí Economist, cho biết: "Ngành thép đang trong tình hình rất khó khăn. Giá thép từ năm 2011 - 2016 đã giảm 1/2. Có thể thấy, chúng ta đang ở cuối một chu kỳ hàng hóa, nạn nhân là các nhà sản xuất thép có giá thành cao hơn. Trung Quốc chiếm khoảng 50% sản lượng thép toàn cầu và chiếm 40% nhu cầu thép toàn cầu. Do vậy, khi nhu cầu thép tại nội địa Trung Quốc giảm dù chỉ một chút, nó cũng đã đủ gây ra những hiệu ứng toàn cầ, bởi vì nếu Trung Quốc thừa cung, thép của họ sẽ được xuất khẩu đi toàn thế giới, gây áp lực bằng giá thành thấp, ảnh hưởng tới những nhà sản xuất trên thế giới".
Trung Quốc đang đối mặt với ngày càng nhiều sức ép từ quốc tế kêu gọi nước này chấm dứt tình trạng dư thừa nguồn cung thép đang "gây lụt" thị trường và đẩy các nhà sản xuất nước ngoài vào "đường cùng". Ví dụ, tập đoàn Tata ở Anh hay ArcelorMittal của Bỉ với các quyết định đóng cửa nhà máy, cắt giảm nhân công.
Sản lượng thép các loại tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc năm ngoái chỉ đạt 668 triệu tấn, có nghĩa là còn tồn kho hơn 130 triệu tấn. Để giải quyết tồn kho, các doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách xuất khẩu ra thị trường thế giới và lượng thép xuất khẩu năm ngoái đã đạt mức cao kỷ lục, hơn 110 triệu tấn, tăng 20%. Năm 2015, thép Trung Quốc xuất đi các nước cao gấp 10 lần sản lượng thép cả năm của nước Anh.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!