Các máy bay dân dụng thường có tuổi đời từ 30 đến 35 năm, do đó có đến hàng nghìn chiếc máy bay thương mại hết hạn sử dụng mỗi năm, điểm đến tiếp theo của chúng là những bãi tập kết phế liệu. Thế nhưng đó chưa phải là cái đích cuối cùng.
Những chiếc cánh và mũi máy bay đã được tháo dời. Chiếc máy bay ngày nào giờ chỉ là đống sắt vụn, nhưng chúng không hề mất đi giá trị sử dụng. Tại xưởng tái chế máy bay, những con “chim sắt” cũ sẽ được tận dụng một cách triệt để.
Anh Sebastien Medan, quản lý công ty tái chế Tarmac nói: "Những chiếc máy bay cũ sau khi về bãi sẽ được phân loại và tháo dỡ từng bộ phận. Với kỹ thuật hiện nay, có đến 87% linh kiện và máy móc từ những chiếc máy bay cũ sẽ được tái chế lại".
Không chỉ biến những chiếc máy bay cũ trở thành mỏ vàng, hãng Airbus đã kết hợp cùng công ty tái chế Tarmac để tìm ra điểm yếu của những con chim sắt này trong quá trình sử dụng.
Ông Olivier Malavallon, Chuyên gia phát triển thương mại Airbus cho biết: "Chúng tôi dựa trên thông tin bên công ty tái chế cung cấp để đưa ra những thay đổi tốt hơn cho các đời máy bay mới, dựa trên những hao mòn linh kiện của các đời máy bay cũ".
Ước tính, riêng tại thị trường châu Âu sẽ có khoảng 6.000 máy bay thương mại sẽ hết hạn sử dụng trong 2 thập niên tới. Trung bình, các động cơ của một chiếc A310 được bán với giá khoảng 1,6 triệu USD, còn linh kiện của cả chiếc máy bay sẽ rơi vào khoảng 4 triệu USD. Chính vì nguồn lợi kinh tế như vậy, Liên minh châu Âu EU yêu cầu các công ty tái chế phải chịu sự giám sát của các chuyên gia quản lý rác thải để không gây ảnh hưởng đến môi trường.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!