Kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 03/09/2024 15:48 GMT+7

VTV.vn - Doanh nghiệp xuất khẩu tập trung tăng cường kiểm soát chất lượng sầu riêng ngay từ vùng trồng cho đến cơ sở đóng gói nhằm giữ bền vững thị trường xuất khẩu chủ lực.

Sầu riêng tại Tây Nguyên đang vào vụ thu hoạch rộ. Năm nay, giá sầu riêng tăng cao nhờ nhu cầu mạnh từ thị trường Trung Quốc, đặc biệt là phục vụ lễ hội trung thu sắp tới. Dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Trước nhu cầu nhập hàng cao từ phía Trung Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng tập trung tăng cường kiểm soát chất lượng sầu riêng ngay từ vùng trồng cho đến cơ sở đóng gói nhằm giữ bền vững thị trường xuất khẩu chủ lực.

Như một nhà vườn tại Đắk Lắk, từng quả sầu riêng được gõ để kiểm tra độ chín trước khi cắt. Vườn sầu nhà ông Thành hôm nay đang cắt dao thứ 2. Nghĩa là lần thứ 2 được công ty vào kiểm tra thu hái quả chín để xuất khẩu. Sầu riêng là loại quả chín từ dưới lên, nếu thu hoạch cả cây 1 lần sẽ lẫn quả non quả già. Quả non không thể chín, quả già bị khô, không đảm bảo chất lượng xuất khẩu.

"Cứ già tới đâu cắt tới đó, trong vòng 1 tuần người ta cắt liên tục cho mình. Phải đảm bảo chất lượng cho doanh nghiệp thì họ mới liên kết với mình được", ông Lê Văn Thành, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu - Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu ch biết: "Quả sau khi thu hoạch về đóng gói thì chúng tôi sẽ chọn tiêu chuẩn A, B, C, phân theo từng loại của những loại trái đó, kiểm tra dịch hại trên trái, kiểm soát lại mã số vùng trồng theo từng mã số để khi đóng gói không lẫn".

Để tuân thủ yêu cầu của nghị định thư từ phía Trung Quốc, đối với sầu riêng xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc, kiểm tra dịch hại và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là quan trọng nhất. Tại cơ sở, từng quả, từng chiếc gai sầu riêng đều được kiểm tra kỹ trước khi đưa vào đóng gói bởi mỗi thị trường lại có một yêu cầu nhập khẩu khác nhau.

Mỗi một quả sầu riêng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải trải qua 7 khâu kiểm soát, trong đó có việc dành ra 10 phút để loại bỏ hoàn toàn rầy, rệp để đảm bảo tuân thủ theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Nhằm phát triển ngành sầu riêng bền vững trong bối cảnh giá trị xuất khẩu mặt hàng này ngày càng tăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang khẩn trương xây dựng các chương trình giám sát về an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu, từ đó có kế hoạch đào tạo, tập huấn cho các địa phương.

Đầu tư chế biến để nâng cao giá trị

Kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu - Ảnh 1.

Đầu tư chế biến sâu sầu riêng sẽ giúp giảm áp lực thời vụ, mở rộng thị trường xuất khẩu, giữ vững vị thế số 1 của sầu riêng Việt.

Trong hai năm gần đây, nhiều địa phương ở khu vực Tây Nguyên đã tăng tốc mở rộng diện tích trồng sầu riêng. Với sản lượng sắp tới ước đạt hàng triệu tấn, việc đầu tư chế biến sâu mặt hàng này... sẽ giúp giảm áp lực thời vụ, mở rộng thị trường xuất khẩu, giữ vững vị thế số 1 của sầu riêng Việt.

Mỗi ngày nhà máy thu mua từ 1-2 tấn sầu riêng nguyên liệu để chế biến. Sầu riêng sau khi tách múi, cấp đông sẽ đưa xử lý theo công nghệ sấy thăng hoa. Nhờ đó, mùi vị, màu sắc và nhiều dưỡng chất vẫn được giữ nguyên. Việc đi theo hướng chế biến sâu đã giúp đơn vị gia tăng thời hạn bảo quản nông sản, ít cạnh tranh, nhiều lợi thế về vận chuyển và dễ lưu thông hàng hóa.

Ông Trương Tuấn Anh - Công ty Cổ phần Chế biến nông sản sấy số 1, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk cho hay: "Khi mình sản xuất được sầu riêng khô, hạn sử dụng rất dài từ 24-36 tháng, từ đó tự tin giữ được mức giá ổn định đến tay người tiêu dùng, lên kệ siêu thị hạn sử dụng 24 tháng thì sẽ không lo như sầu riêng tươi nó có thể bị hư hỏng, thời điểm có thể tiêu dùng ít hay nhiều. Sầu riêng khô quanh năm mình luôn luôn áng chừng được sản lượng của mình".

Hiện nay, sầu riêng đông lạnh Việt Nam xuất khẩu sang 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, chủ yếu được xuất khẩu sang Thái Lan, Mỹ và châu Âu với kim ngạch vài trăm triệu USD mỗi năm. Nay với cánh cửa xuất khẩu sầu riêng đông lạnh rộng mở sang Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt tới 500 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sầu riêng đạt tới 3,5 tỷ USD.

"Với các nước bạn lân cận đang đưa sản phẩm cấp đông ra thế giới một cách hiệu quả, so với vùng nguyên liệu và địa phương hiện tại càng ngày càng nhân lên. Những sản phẩm sau khi không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thì chúng tôi đưa vào sản xuất sâu hơn bằng cách cấp đông sầu riêng để đưa ra thị trường. nâng cao giá trị cho nông sản Việt Nam", bà Nguyễn Thanh Lan - Giám đốc Công ty Nam Đô, Đắk Lắk cho hay.

Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Tạo điều kiện tối đa về chính sách cho các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nói chung và đặc biệt đối với sầu riêng, sầu riêng đông lạnh. Sẽ tạo điều kiện về mặt bằng, đất đai, các thủ tục để đầu tư. Nếu các doanh nghiệp liên kết hợp tác với hợp tác xã và người dân tạo thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ thì chắc chắn sẽ được ưu đãi và hỗ trợ rất nhiều".

Bên cạnh thị trường chủ đạo là Trung Quốc, hiện sầu riêng Việt Nam còn vươn rộng đến một số thị trường tiềm năng là Hàn Quốc, ASEAN và đặc biệt là đang hướng đến thị trưởng tỉ dân Ấn Độ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước