Mới đây, 12 Hiệp hội ngành hàng đã gửi kiến nghị lên Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm minh bạch quy chế quản lý, sử dụng nguồn tài chính đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.
Mặc dù quy định về mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) mới có hiệu lực, nhưng nguồn đóng góp đã vào khoảng 500 tỷ đồng.
Đồng tình với việc đóng góp tài chính cho quỹ, nhưng các hiệp hội cho rằng dự thảo thông tư đang được xây dựng còn nhiều điểm bất hợp lý và mâu thuẫn với Luật Bảo vệ Môi trường và Nghị định 08 của Chính phủ.
Mặc dù luật quy định khoản đóng góp chỉ được sử dụng hỗ trợ tái chế, nhưng có tới 10 trong tổng số 11 loại chi phí dự thảo thông tư đưa ra lại dành cho nhiều mục đích khác như lễ tân, khánh tiết...
(Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Ngoài ra, dự thảo quy định các doanh nghiệp, dự án tái chế bao bì, xử lý chất thải nếu muốn nhận được hỗ trợ từ khoản tiền mà các doanh nghiệp đã đóng góp đều phải nộp hồ sơ về Văn phòng EPR tại Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các hiệp hội cho rằng điều này gây khó khăn cho các tỉnh xa. Chưa kể, các tiêu chí xét duyệt hỗ trợ cũng chưa được quy định rõ ràng trong dự thảo, còn khá chung chung, dễ tạo cơ chế xin - cho.
"Tránh những từ mang tính tượng trưng hoặc những từ mang tính định tính, các từ như lớn hơn, cao hơn, ít hơn để dễ dàng tạo cơ chế xin - cho và tùy tiện trong quyết định của Văn phòng EPR. Cần minh bạch các khoản chi mà ở đó phải tuân thủ theo Nghị định 08, đó là thực hiện kiêm nghiệm, trong hoạt động này cần phân cấp đến các địa phương để trách việc tất cả các tỉnh đều gửi hồ sơ về Văn phòng EPR ở Bộ Tài nguyên và Môi trường", ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam VASEP, nhận định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!