Doanh nghiệp cần tham gia tái chế để giải quyết nghịch lý rác thải nhựa

VTV Digital-Thứ ba, ngày 08/03/2022 07:38 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam là nước xả rác thải nhựa ra môi trường nhiều thứ 4 trên thế giới nhưng 80% số nguyên liệu nhựa nước ta lại là nhập khẩu từ nước ngoài.

Vì vậy, theo các chuyên gia để giải quyết nghịch lý này, các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu cần tham gia tái chế nhiều hơn. Đây cũng chính là quy định vừa được áp dụng của Luật Bảo vệ môi trường mới

Từ năm 2024, các doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu các nhóm sản phẩm như bao bì, pin, ắc - quy, dầu nhớt và săm lốp sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế các sản phẩm trên khi vòng đời của chúng kết thúc.

Doanh nghiệp cần tham gia tái chế để giải quyết nghịch lý rác thải nhựa - Ảnh 1.

Ông Fushihara Hirota, Giám đốc Hãng tư vấn Kinh doanh và Luật LIBERO, cho biết: "Điều này giúp các doanh nghiệp đi đúng hướng để phát triển bền vững, đảm bảo thực hiện kinh tế tuần hoàn và cũng giúp Việt Nam thực hiện đúng cam kết với quốc tế về môi trường".

Một số doanh nghiệp băn khoăn về việc không có cơ sở vật chất để tái chế sản phẩm hay xử lý chất thải, đồng thời lo ngại có thể gây ra ô nhiễm thứ cấp nếu thuê những cơ sở nhỏ lẻ manh mún không chuyên nghiệp thực hiện tái chế. Tuy nhiên, cũng theo quy định mới, doanh nghiệp hoàn toàn có thể lựa chọn đóng phí vào Quỹ bảo vệ môi trường.

Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc CTCP Phát triển Phụ gia và Sản phẩm Dầu mỏ, chia sẻ: "Chúng tôi sẽ lựa chọn hình thức đóng tiền vào quỹ bảo vệ môi trường vì xây một nhà máy tái chế riêng còn tốn nhiều tiền hơn là một nhà máy sản xuất của chúng tôi".

Số tiền doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường sẽ được dùng để hỗ trợ cho hoạt động tái chế và xử lý rác thải. Văn phòng EPR quốc gia sẽ kiểm tra định kỳ và đột xuất để đảm bảo số tiền được sử dụng đúng cam kết.

Dù chọn hình thức nào thì doanh nghiệp đều cần báo cáo kết quả tái chế của mình trên Cổng thông tin điện tử EPR Quốc gia. Kết quả tái chế của doanh nghiệp được giám sát chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: "Chúng tôi sẽ kiểm tra chéo với số liệu về sản phẩm và nhập khẩu từ Cơ quan thuế và hải quan để đảm bảo tính xác thực của thông tin tái chế mà doanh nghiệp kê khai".

Nếu vi phạm quy định thực hiện, các doanh nghiệp sẽ phải nộp phạt tối đa 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp tái chế được nhiều hơn so với mức đăng ký thì phần dư ra này sẽ được tính sang cho năm sau.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước