TP Hồ Chí Minh hiện cần khoảng 700 tấn thịt lợn, 250.000 con gia cầm mỗi ngày. Ảnh minh họa - NLĐ.
Theo Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) Lý Kim Chi, sau gần một tháng thực hiện mô hình "3 tại chỗ", hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến", một số doanh nghiệp chủ lực của ngành, tập trung ở nhóm sản xuất thịt gia súc, gia cầm cố gắng duy trì sản xuất.
Tuy nhiên, việc kéo dài mô hình trên có thể khiến các doanh nghiệp này không còn đáp ứng được nhu cầu, nguy cơ ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất, cung ứng mặt hàng thịt tươi sống.
Để khắc phục tình trạng này, FFA kiến nghị thành phố cần thành lập tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp sàng lọc, cách ly nhanh các nhóm nguy cơ cao ra khỏi nhà máy; bóc tách, đánh giá nhóm đối tượng đưa vào các khu riêng biệt theo từng dây chuyền, phân xưởng để bảo đảm tiếp tục duy trì sản xuất an toàn.
Đồng thời, FFA kiến nghị tạo thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa lương thực, thực phẩm từ 18h đến 6h sáng hôm sau…
Ngoài ra, FFA cũng kiến nghị UBND thành phố đề xuất Bộ Y tế sớm hoàn thiện bộ quy tắc và tổ chức tập huấn cho các địa phương, doanh nghiệp thực hiện "y tế tại chỗ" nhằm duy trì sản xuất liên tục, không làm gián đoạn.
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố cần khoảng 700 tấn thịt lợn, 250.000 con gia cầm mỗi ngày. Tuy nhiên, do trong giai đoạn giãn cách xã hội nên nguồn cung thịt lợn, gia cầm đang gặp khó khăn.
Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) - một trong những nhà cung ứng thịt lợn lớn tại TP Hồ Chí Minh thông tin, thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp phải cắt giảm số lượng lao động tham gia sản xuất nên công suất giảm.
Ngoài ra, nguồn cung ứng nguyên liệu cũng gặp khó do giãn cách nên sản lượng cung ứng giảm theo. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao nên xảy ra khan hiếm hàng hóa cục bộ tại một số thời điểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!