Một điểm bán hàng lưu động tại Quận 11 do tiểu thương chợ Bình Thới thực hiện. (Ảnh: NLĐ)
UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu TP Thủ Đức và UBND các quận, huyện khẩn trương xây dựng phương án hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn đối với các chợ truyền thống trên địa bàn và các điểm bán lương thực thực phẩm thiết yếu.
Nếu chợ tạm ngưng hoạt động, các quận, huyện phải tổ chức các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng tươi sống tại các điểm lân cận.
Bẹnh cạnh đó, thành phố yêu cầu các địa phương ưu tiên chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 nhằm đảm bảo việc cung ứng hàng hóa cho người dân được nhanh chóng, kịp thời và an toàn.
Đối với điểm bán hiện đang hoạt động, địa phương lấy mẫu xét nghiệm nhanh, ngẫu nhiên đối với tiểu thương, người mua hàng tại chợ/điểm bán; thực hiện phun xịt, khử khuẩn định kỳ.
Hiện nhiều điểm chợ vẫn còn gặp khó để mở bán trở lại do dịch bệnh diễn biến phức tạp. Do đó, nhiều quận, huyện sẽ mở lại chợ với quy mô nhỏ từ 10 - 20 gian hàng kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống.
Để hỗ trợ nguồn cung thực phẩm cho người dân, nhiều quận, huyện cho biết sẽ tăng mạnh giải pháp bán hàng lưu động, hàng online, bán hàng theo nhóm.
Trong tình hình thành phố vẫn thiếu nhiều điểm bán, việc mở lại chợ truyền thống được xem là giải pháp phù hợp để người dân dễ dàng mua thực phẩm.
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 40 chợ đang hoạt động và 197 chợ tạm ngưng (tính cả 3 chợ đầu mối) trong tổng số 237 chợ. Như vậy, TP có thêm 8 chợ được hoạt động lại so với thời điểm cuối tháng 7. Tuy nhiên, nhiều quận, huyện vẫn đóng cửa toàn bộ các chợ truyền thống trên địa bàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!