GDP 3 quý năm nay cho thấy dấu hiệu phục hồi theo hình chữ V, dự báo cả năm nay sẽ đạt 2 - 3%. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng âm, đa phần ý kiến đều đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm nay.
"Lạm phát được kiểm soát dưới 4%. Đáng chú ý, trong bối cảnh đại dịch, thương mại toàn cầu giảm từ 20 - 30%, nhưng trong quý III, xuất khẩu của Việt Nam tăng 11%, được xem là quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới", ông Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết.
"Trong bối cảnh thương mại toàn cầu giảm, trong 9 tháng, Việt Nam xuất siêu đạt 16,99 tỷ USD. Đáng nói, EVFTA là thành công lớn của Việt Nam", ông Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chia sẻ.
Trong 9 tháng năm nay, Việt Nam xuất siêu đạt 16,99 tỷ USD. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Các gói hỗ trợ kinh tế được đánh giá là quyết liệt và kịp thời, tuy nhiên cần phải được điều chỉnh để nâng cao hiệu quả thực tiễn.
"Gói hỗ trợ của Chính phủ đến với người lao động rất ít. Theo thống kê đến tháng 7/2020 của Bộ LĐTB&XH, có 16 triệu đối tượng đã được hưởng, chủ yếu là gia đình chính sách, hộ nghèo, trong khi đó mới chỉ có 402.000 người lao động được hưởng gói hỗ trợ. Nguyên nhân được xác định là do chính sách chưa gần với cuộc sống, các tiêu chí đưa ra chưa xác thực", ông Ngọ Duy Hiểu, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, nhận định.
Ông Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM.
"Qua đợt dịch bệnh, thiên tai vừa qua, tôi đề nghị Chính phủ cần có hướng dẫn, quản lý và thống nhất về công tác quyên góp, hỗ trợ đối với những thiệt hại của người dân", bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, nêu ý kiến.
Liên quan tới dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 sẽ đạt 6%, vẫn còn một số ý kiến cho rằng mức tăng trưởng này vẫn có thể cao hơn, tới gần 7%. Tuy nhiên, các kịch bản trong tình huống xấu vẫn cần được đưa ra, bởi rủi ro tiềm ẩn từ dịch bệnh còn rất lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!