Vì sao startup trở thành giải pháp kinh tế sau giai đoạn khủng hoảng?

Thu Hương - Quỳnh Anh-Thứ năm, ngày 29/10/2020 15:35 GMT+7

VTV.vn- Trong giai đoạn khủng hoảng, một số doanh nghiệp trẻ sáng tạo đã nhạy bén và linh hoạt trước những thay đổi do cuộc khủng hoảng gây ra, đồng thời góp vào quá trình đổi mới.

Giới khởi nghiệp đối mặt với những thách thức lớn trong thời kỳ khó khăn

Đợt khủng hoảng vì dịch bệnh vừa qua đã khiến không ít doanh nghiệp lẫn cá nhân bị ảnh hưởng. Các chính phủ trên toàn thế giới đã đặt ra những quy tắc và chuẩn mực mới nhằm tái thiết và tạo cơ hội tồn tại cho các doanh nghiệp để duy trì nền kinh tế. Trong đó, startup đóng vai trò như động lực chính cho sự tăng trưởng, tạo cơ hội việc làm, và là chất xúc tác thúc đẩy nền kinh tế đổi mới. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chiếm 98% tổng số doanh nghiệp, 40% GDP và 50% việc làm.

Hiện nay, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tạo ra áp lực và tác động không nhỏ vào giới khởi nghiệp. Hầu hết, các startup hiện tại đều phải đối mặt với những thách thức đáng kể, vì họ dễ bị tổn thương hơn thế hệ startup tiền nhiệm như một hệ quả cuộc khủng hoảng mang lại. Ngoài ra, vì yếu tố cách ly, những startup buộc phải đối diện trước hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vốn truyền thống và tạo dựng mối quan hệ tốt nhất với nhà đầu tư và khách hàng.

Vì sao startup trở thành giải pháp kinh tế sau giai đoạn khủng hoảng? - Ảnh 1.

Những startup buộc phải đối diện trước hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vốn truyền thống và tạo dựng mối quan hệ tốt nhất với nhà đầu tư và khách hàng.

"Một vài thách thức nổi bật có thể kể tên như thiếu cố vấn, khó khăn tìm ra người đồng sáng lập và đội ngũ phù hợp cũng như hiểu được tâm tư của các nhà đầu tư để tìm kiếm nguồn tài trợ sau vòng hạt giống. Nếu không có sự hướng dẫn và hỗ trợ của người cố vấn, các công ty khởi nghiệp dành trung bình 18 tháng để tìm ra cách hoàn thiện sản phẩm, phù hợp với thị trường cho ý tưởng của họ. Điều này dẫn đến cạn kiệt nguồn lực và không tận dụng kịp thời làn sóng của xu hướng công nghiệp luôn thay đổi hiện nay", ông Lim Boon Chow - Phó Giám đốc Phát triển doanh nghiệp, NTUitive, Singapore cho biết. 

Tại nhiều quốc gia, các chính phủ đã triển khai nhiều chính sách nhằm bảo vệ nền kinh tế khỏi cuộc khủng hoảng. Họ chú trọng yếu tố tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với startup. Trong đó bao gồm các biện pháp để duy trì nhu cầu thanh khoản ngắn hạn như bảo lãnh cho vay, cho vay trực tiếp hoặc trợ cấp. Tuy nhiên, ngoài giải quyết những thách thức trước mắt về tài chính, các startup cũng cần được thúc đẩy khả năng nắm bắt cơ hội kinh doanh mới, giảm thiểu rào cản ảnh hưởng đến tinh thần doanh nghiệp, tạo động lực phù hợp cho sự phát triển lâu dài và thúc đẩy tiềm năng kinh doanh.

Cơ hội vàng và những "kỳ lân" được sinh ra giữa thời khủng hoảng

Giai đoạn suy thoái thường là thời điểm tái cấu trúc toàn diện để nền kinh tế trở nên mạnh mẽ và linh hoạt hơn. Trên thực tế, mặc dù số lượng đăng ký kinh doanh thường giảm trong thời kỳ suy thoái, nhiều startup đổi mới sáng tạo vẫn thành công và một số doanh nghiệp lớn mạnh hiện nay như Dropbox, Uber, Airbnb, WhatsApp, Groupon và Pinterest - đều được thành lập trong hoặc chỉ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Và đặc biệt nhất, Taobao của Alibaba đã được thành lập giữa đợt bùng phát dịch SARS ở Trung Quốc năm 2003.

Điều này khẳng định, giai đoạn khó khăn này là thách thức chưa từng có đối với tất cả các doanh nghiệp nhưng cũng mang đến những cơ hội mới, đặc biệt cho startup khi có khả năng đáp ứng linh hoạt và nhạy bén với nhu cầu tiêu dùng và biến đổi thị trường.

Trước nhất, cơ hội sẽ dành cho startup đưa ra các đổi mới cấp tiến hữu ích trong thời gian trước mắt như y tế từ xa, mua sắm online, giao hàng tận nhà, chế biến thực phẩm, giao dịch từ xa, giáo dục trực tuyến. Chính phủ nhiều nước sẵn sàng hỗ trợ những startup này như Ủy ban châu Âu đã cho phép các công nghệ về điều trị, kiểm tra, giám sát và hỗ trợ liên quan đến COVID-19 sẽ được tài trợ khẩn cấp theo chương trình EIC Accelerator.

Vì sao startup trở thành giải pháp kinh tế sau giai đoạn khủng hoảng? - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, thời kỳ suy thoái đã làm thay đổi thói quen và nhu cầu của người tiêu dùng.

"Có rất nhiều cơ hội trong các ngành, lĩnh vực hồi phục hậu khủng hoảng. Ví dụ, nhu cầu về dịch vụ làm việc từ xa, thương mại điện tử, giáo dục và y tế cũng có thể thay đổi trong thời gian vừa qua, các chuỗi giá trị toàn cầu và các thành phố có thể được chuyển đổi. Các công ty khởi nghiệp có thể được hưởng lợi từ môi trường có chi phí kinh doanh thấp hơn trong thời điểm khó khăn - giá thuê rẻ, tiếp cận nhân tài với chi phí thuê nhân công thấp hơn. 

Không có thời điểm nào tốt hơn để các công ty khởi nghiệp học cách thích nghi và xoay chuyển doanh nghiệp, xây dựng năng lực kinh doanh để chuẩn bị cho phục hồi kinh tế... Tất cả những điều này cho phép các công ty khởi nghiệp có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng để  phục hồi nhanh hơn các công ty cùng ngành", bà Thái Vân Linh, cố vấn doanh nghiệp cho hay.

Bên cạnh đó, thời kỳ suy thoái đã làm thay đổi thói quen và nhu cầu của người tiêu dùng. Sự tăng trưởng của nhu cầu chuyển đổi từ phương thức "trực tiếp" sang "trực tuyến" được áp dụng trong thương mại điện tử, làm việc, giáo dục và y tế. Các nhà hoạch định chính sách cũng xem xét các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về những cơ hội này, đặc biệt là trong các ngành thích ứng linh hoạt trước khủng hoảng như kỹ thuật số.

Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc và dự án Khởi nghiệp tăng tốc NINJA tại TP.HCM

NINJA Accelerator tại T.HCM là một sáng kiến tăng tốc và đổi mới khởi nghiệp không ràng buộc về vốn sở hữu được thiết kế để ươm mầm những doanh nghiệp trẻ sáng tạo từ giai đoạn hình thành, xác thực và phát triển.

Thông qua dự án, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA mong muốn hợp tác với các bên liên quan nhằm phát triển tinh thần khởi nghiệp, xác định những vấn đề mà các nhà làm kinh doanh có thể gặp phải, đưa ra các khuyến nghị về chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, tăng cường năng lực quản lí doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, mở rộng kết nối với các công ty Nhật Bản và xúc tiến đầu tư.

Việt Nam được chọn là quốc gia ASEAN đầu tiên triển khai dự án với tên gọi NINJA - Chương trình tăng tốc khởi nghiệp tại TP.HCM. 6 lĩnh vực mà NINJA Accelerator tại TP.HCM hướng tới là 6/17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, phù hợp với tình hình phục hồi và phát triển của Việt Nam:

+ Xoá đói giảm nghèo,

+ Sức khỏe và hạnh phúc,

+ Giáo dục chất lượng

+ Năng lượng sạch và giá rẻ,

+ Công nghiệp, đổi mới & cơ sở hạ tầng

+ Hành động vì khí hậu.

Các startup có thể đăng ký tham gia đến hết ngày 2/11. Ban tổ chức sẽ chọn 30 nhóm khởi nghiệp để tăng tốc. Trong vòng 3 tháng từ trung tuần tháng 1/2021, các startup được chọn sẽ được các chuyên gia tư vấn, kết nối với các nhà đầu tư và quỹ đầu tư mạo hiểm, hình thành ý tưởng kinh doanh và kiểm chứng các ý tưởng đó.

Điểm đặc biệt ở NINJA Accelerator là quyết tâm đưa startup và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo "cất cánh nước rút" trong thời gian ngắn nhất. Tùy theo từng giai đoạn phát triển, startup sẽ được hỗ trợ để xác định mục tiêu trong thời gian ngắn nhất có thể, chẳng hạn như quy trình  xác định sản phẩm hoặc thị trường phù hợp (thường kéo dài khoảng 18 tháng) hoặc quy trình xoay vòng ý tưởng (thường mất 24 tháng).

Bên cạnh đó, startup còn được tiếp cận với mạng lưới trên 500 nhà đầu tư, tăng cường nguồn nhân lực chất lượng từ sự giới thiệu của các đối tác như Đại học Nanyang (Singapore), Khu Công nghệ Phần mềm - ĐHQG  TP.HCM (ITP), Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (Saigon Hi-Tech Park Incubation Center).

Tìm hiểu thêm thông tin và đăng ký tham dự tại website chương trình jicaninjaasia.com.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và  VTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước