Bức tranh kinh tế quý IV: Nhiều tín hiệu lạc quan

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 31/10/2020 12:43 GMT+7

VTV.vn - Theo thống kê, 348 doanh nghiệp niêm yết đã phục hồi quý thứ hai liên tiếp. Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất khi các đơn hàng đang dần quay trở lại.

Xuất nhập khẩu là một trong những điểm sáng đáng chú ý nhất của kinh tế vĩ mô Việt Nam trong năm khó khăn vừa qua. Bởi tính chung 10 tháng, theo số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố tuần qua, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 440 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó trong bối cảnh dịch bệnh cũng đã phục hồi đơn hàng.

Bên cạnh hoạt động xuất nhập khẩu, những dấu hiệu khởi sắc dấu hiệu khởi sắc cũng có thể nhìn thấy ở thị trường nội địa thông qua hoạt động thương mại dịch vụ. Thị trường hàng hóa và đời sống của người dân dần ổn định, các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn nhiều tỉnh/thành phố đã mở cửa trở lại.

Bức tranh kinh tế quý IV: Nhiều tín hiệu lạc quan - Ảnh 1.

Hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó trong bối cảnh dịch bệnh cũng đã phục hồi đơn hàng. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 10 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.123 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo con số này sẽ còn tăng trong những tháng cuối năm, khi người tiêu dùng ngày càng lạc quan hơn.

Thị trường bán lẻ cải thiện nhờ sự lạc quan của người tiêu dùng

0,7% là mức tăng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong 9 tháng năm nay. Mặc dù con số này thấp hơn đáng kể so với mức tăng từ 12 - 14% của cùng kỳ các năm trước, tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, bán lẻ và tiêu dùng vẫn là nhóm dịch vụ có tốc độ phục hồi nhanh nhất trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Tín hiệu vui cho thị trường vốn có phần ảm đạm này là ngay cả khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 2 quay trở lại, người dân có niềm tin vào khả năng chống dịch của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp phục hồi trở lại, thu nhập tăng lên và người dân mua sắm nhiều hơn.

Bức tranh kinh tế quý IV: Nhiều tín hiệu lạc quan - Ảnh 2.

Theo Tổng cục Thống kê, bán lẻ và tiêu dùng vẫn là nhóm dịch vụ có tốc độ phục hồi nhanh nhất trong bối cảnh dịch COVID-19. (Ảnh: Dân trí)

Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Ipsos, tiêu dùng trong nước có sự hồi phục nhanh nhờ người tiêu dùng lạc quan về phòng chống dịch. 55% người tiêu dùng Việt cho rằng kinh tế sẽ tốt hơn, trong khi các nước trong khu vực tỷ lệ này chỉ chiếm 45%. Do đó, họ cũng có những kế hoạch chi tiêu nhiều hơn cho những tháng cuối năm.

"Sau khi đợt dịch COVID-19 lần 2 quay trở lại, mức độ giảm của thu nhập gia đình đã thu hẹp lại, do đó mọi người có xu hướng quay trở lại mua sắm nhiều hơn. Đây là tín hiệu lạc quan cho các nhà bán lẻ", bà Lý Thúy Ngân, Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos tại Việt Nam, nhận định.

Trong lĩnh vực bán lẻ, mua sắm trực tuyến, mua mang đi, giao hàng tận nơi và thanh toán không dùng tiền mặt vẫn tiếp tục là xu hướng. Tỷ lệ sử dụng tiền mặt đã giảm 41%, trong khi các hình thức thanh toán trực tuyến tăng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc các nhà bán lẻ nước ngoài tiếp tục xuất hiện và mở rộng đầu tư trong thời điểm này cho thấy Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn trong khu vực, dự đoán sẽ còn tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 10 có dấu hiệu khởi sắc so với tháng trước, khi số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 10 tăng 18,4% so với tháng 9.

Cùng với đó, quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,3 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2019, cho thấy một số tín hiệu tích cực trong hoạt động kinh doanh sản xuất trong những cuối năm.

Khảo sát của Tổng cục Thống kê về triển vọng kinh doanh quý IV cho thấy có tới 81% doanh nghiệp cho rằng xu hướng kinh doanh sẽ tốt lên và ổn định hơn.

Thị trường chứng khoán "trả ơn" nhiều nhà đầu tư

Khi nói tới tâm lý thị trường, một trong những chỉ báo rõ nét nhất là thị trường chứng khoán. Dù mới trải qua 1 tuần khá biến động và VN-Index đã đánh rơi vài chục điểm dưới áp lực điều chỉnh, nhưng điều đó không phủ nhận được sự trở lại ngoạn mục của thị trường chứng khoán trong nửa năm qua.

Tính từ đáy 660 điểm thiết lập vào 31/3, tròn 7 tháng qua, VN-Index đã hồi phục khoảng 40%. Sức tăng của chỉ số phản ánh kỳ vọng vào sự tăng trưởng trở lại của khối doanh nghiệp niêm yết.

Tính tới quý III vừa qua, theo số liệu của 347 doanh nghiệp niêm yết phi tài chính, nếu không tính đến khoản lỗ của Vietnam Airlines (HVN) thì lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng trưởng dương ở mức 7,4% so với cùng kỳ 2019, khẳng định mô hình phục hồi chữ V mạnh mẽ. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhìn thấy cơ hội trong rủi ro và những ai dám ở bên thị trường lúc hoạn nạn, bây giờ đang được "trả ơn".

Bức tranh kinh tế quý IV: Nhiều tín hiệu lạc quan - Ảnh 3.

Một năm tưởng như khó khăn với chứng khoán lại đang là một năm hiệu quả bất ngờ. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Dù số tiền mỗi người đầu tư có thể không nhiều, nhưng hàng chục, hàng trăm nghìn người trẻ tham gia thị trường chứng khoán nửa năm qua đang là làn gió mới góp phần đưa VN-Index chinh phục lại những đỉnh cao.

Có người vẫn nắm giữ, có người đã kịp chốt lời vài chục %, nhưng theo các thành viên, tiền mới chưa rời bỏ thị trường.

"Đầu tư đối với mình không phải là kênh ngắn hạn, mà trong dài hạn mình sẽ tiếp tục học hỏi, tìm hiểu và tìm kiếm cơ hội đầu tư dài hạn, tăng tài sản của mình", nhà đầu tư Phạm Quang Anh chia sẻ.

Một năm tưởng như khó khăn với chứng khoán lại đang là một năm hiệu quả bất ngờ, theo các nhà đầu tư chuyên nghiệp, hiệu suất đem lại năm nay đang lên đến 40%.

[Infographic] Gam màu sáng, tối trong bức tranh kinh tế 10 tháng đầu năm [Infographic] Gam màu sáng, tối trong bức tranh kinh tế 10 tháng đầu năm

VTV.vn - Tổng cục Thống kê mới đây đã công bố tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2020.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước