Kinh tế ASEAN phục hồi phụ thuộc vào việc phổ biến vaccine COVID-19

Hữu Hưng (PV Đài THVN thường trú tại ASEAN)-Thứ sáu, ngày 05/02/2021 14:18 GMT+7

VTV.vn - Hầu hết các nước ASEAN sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2021, nhưng tiến trình phục hồi kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào việc triển khai tiêm vaccine.

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Maybank Kim Eng đã đưa ra dự báo trên. Theo dự báo, đến đầu năm 2022, ASEAN mới có thể đạt mức tăng trưởng GDP thực như thời trước đại dịch.

Theo báo cáo của Maybank Kim Eng, dự báo tăng trưởng GDP thực của ASEAN-6 bao gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam sẽ đạt mức 5,3% trong năm nay và 5% vào năm tới 2022, sau khi đã giảm xuống -3,8% vào năm 22020. Trong đó, Việt Nam là một trong những nước có thành tích tốt hơn các nước ASEAN và đặc biệt là khả năng phục hồi trong năm nay 2021.

Kinh tế ASEAN phục hồi phụ thuộc vào việc phổ biến vaccine COVID-19 - Ảnh 1.

Một y tá ở Singapore tiêm vaccine phòng dịch COVID-19. (Ảnh: The Straits Times)

"Việt Nam là một trong những câu chuyện tăng trưởng tốt nhất trong các nước ASEAN và là điểm sáng trong thời gian qua. Trong nhiều năm, đặc biệt là thành công đáng kể trong việc kiềm chế sự bùng phát COVID-19 vào năm ngoái, cho phép Việt Nam bỏ các hạn chế về giãn cách xã hội và mở cửa lại nền kinh tế sớm hơn. Điều này đã giúp Việt Nam phục hồi và bình thường hóa với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các nước láng giềng ASEAN", bà Linda Liu, chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Maybank Kim Eng, nhận định.

Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng quỹ đạo phục hồi của mỗi nước sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như cách thức vaccine nhanh chóng được triển khai và khả năng miễn dịch cộng đồng đạt được.

Maybank cho rằng Singapore, Malaysia và Thái Lan có khả năng là những quốc gia ASEAN đầu tiên đạt được miễn dịch cộng đồng vào quý IV/2021. Các nước ASEAN còn lại sẽ đạt mức độ miễn dịch này vào năm 2022.

Kinh tế ASEAN phục hồi phụ thuộc vào việc phổ biến vaccine COVID-19 - Ảnh 2.

Thách thức trước mắt và xuyên suốt cả năm nay với các nước ASEAN vẫn là khả năng tiếp cận, phổ biến vaccine. (Ảnh: The Straits Times)

"Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng cũng cần phải nới lỏng đáng kể việc phong tỏa cũng như nới lỏng kiểm soát biên giới để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế. Điều đó chỉ có thể thành hiện thực khi có thêm nhiều quốc gia hơn có quyền tiếp cận và phổ biến rộng rãi vaccine. Việc này chỉ có thể đạt đỉnh điểm từ giữa đến cuối năm 2021", bà Linda Liu cho biết.

Nhận định về khả năng phục hồi của ngành du lịch và hàng không, chuyên gia kinh tế Maybank Kim Eng nhận định khả năng phục hồi là chậm, bởi các nước rất thận trọng trong việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới cũng như các yêu cầu kiểm dịch và xét nghiệm.

"Tôi cho rằng khi số ca mắc COVID-19 và các ca tái nhiễm COVID-19 giảm xuống do sự phổ biến vaccine, thì có thể chúng ta sẽ thấy ở các quốc gia ASEAN có thị trường du lịch nội địa lớn như Indonesia, Philippines, Malaysia và Việt Nam, có thể chứng kiến sự phục hồi nhanh hơn của hàng không và thị trường du lịch nội địa", bà Linda Liu nhấn mạnh.

Cũng theo Maybank, thách thức trước mắt và xuyên suốt cả năm nay với các nước ASEAN vẫn là khả năng tiếp cận, phổ biến vaccine để đạt độ miễn dịch cộng đồng, từ đó làm cơ sở phục hồi kinh tế.

ASEAN 2020: Năm Chủ tịch nhiều dấu ấn kinh tế của Việt Nam ASEAN 2020: Năm Chủ tịch nhiều dấu ấn kinh tế của Việt Nam

Con tàu ASEAN băng qua vùng biển giông bão COVID-19. Với ý chí kiên cường và tay lái vững vàng của “thuyền trưởng” Việt Nam, tự hào Năm Chủ tịch ASEAN 2020 thành công toàn diện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước