Dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá kinh tế châu Á năm nay tăng trưởng 4,9%, thấp hơn mức 6,5% của năm 2021. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo GDP khu vực sẽ tăng 5,2% vào năm nay và 5,3% vào năm sau.
"Có 3 rủi ro lớn đối với triển vọng kinh tế châu Á. Thứ nhất là xung đột Nga - Ukraine. Thứ hai, các điều kiện tài chính đang được thắt chặt trên toàn cầu và trong khu vực, nhiều ngân hàng trung ương dự kiến thắt chặt chính sách khi áp lực lạm phát gia tăng, làm chậm sự phục hồi kinh tế. Cuối cùng, chúng ta vẫn phải vật lộn với COVID-19, các biến thể mới và nguy hiểm hơn vẫn có thể xuất hiện, tàn phá", ông Albert Park, Nhà Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đánh giá.
Tại Đông Á, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 4,4%, theo IMF, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% mà nước này đề ra.
Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng âm trong quý 1/2022. (Ảnh: Reuters)
Trong khi tại Nhật Bản, kinh tế nước này đã tăng trưởng âm trong quý 1/2022, giá tiêu dùng tăng cao, đồng nội tệ mất giá, lạm phát vượt mục tiêu đề ra.
"Nếu đồng Yen tiếp tục giảm giá như hiện nay, nền kinh tế Nhật Bản sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn. Đồng Yen giảm giá khiến chúng ta phải suy ngẫm về những vấn đề nghiêm trọng đang tồn tại trong nền kinh tế Nhật Bản", ông Eiichi Shindo, Giáo sư danh dự, Đại học Tsukuba, Nhật Bản, nhận định.
Ấn Độ được xem là điểm sáng khi tăng trưởng kinh tế được IMF dự báo tăng 8,2% trong năm nay.
Về tổng thể, kinh tế châu Á vẫn được đánh giá đang trong tiến trình phục hồi, nhưng còn thiếu ổn định, đòi hỏi các quốc gia nỗ lực ứng phó hiệu quả các thách thức lớn như COVID-19, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!