Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, rõ nét
Chỉ số sản xuất 10 tháng năm 2024 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng tới 2 con số so với cùng kỳ năm trước như sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 26,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 24,8%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 16,0%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 14,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 14,0%; dệt tăng 12,1%...
Bộ Công thương đánh giá, mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, song nền sản xuất công nghiệp trong nước tiếp tục phục hồi nhanh và trên diện rộng, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 10 đạt 51,2 điểm, tăng so với mức 47,3 điểm trong tháng 9, cho thấy sản xuất công nghiệp đã phục hồi nhanh sau bão số 3; sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng theo thông lệ cuối năm.
Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp (IIP) tháng 10/2024 ước tăng 4,0% so với tháng 9 và tăng 7,0% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 10 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6% (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,5%), đóng góp 8,3 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,3%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm...
Đáng chú ý, thống kê của Bộ Công thương cho thấy, sản xuất công nghiệp tăng trên diện rộng với 59/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 4 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước là Gia Lai, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Lạng Sơn.
Nhiều doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, suy thoái và phát triển sản xuất - kinh doanh trở lại, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Đặc biệt, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện; ngành khai khoáng tăng cao. Trong đó, địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với cùng kỳ năm trước như Lai Châu tăng 43,9%; Phú Thọ tăng 40,7%; Bắc Giang tăng 27,7%; Thanh Hóa tăng 19,5%; Quảng Nam tăng 19,3%...
Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 10 tháng năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước: Thép thanh, thép góc tăng 21,8%; xăng dầu tăng 17,6%; thép cán tăng 16,4%; ô tô tăng 15,8%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 15,0%; đường kính tăng 14,5%; sữa bột tăng 12,8%; phân hỗn hợp NPK tăng 11,5%.
Trao đổi với phóng viên VTVTimes, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình đánh giá, từ những số liệu trên cho thấy sản xuất của doanh nghiệp đã và đang ngày càng phục hồi khá tốt. Nhiều doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, suy thoái và phát triển sản xuất - kinh doanh trở lại, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây là điểm tựa quan trọng để nền kinh tế nước ta đạt được những mục tiêu tăng trưởng năm 2024 và các năm sau.
"Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh và các chính sách hỗ trợ giảm chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng lực của doanh nghiệp và nền kinh tế", ông Bình nhấn mạnh.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng tốt
Theo đánh giá của Bộ Công thương, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước thường tăng vào những tháng cuối năm góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 10/2024 ước đạt 545,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 12,0% và nhóm phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 21,4%.
Theo đó, tính chung 10 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.246,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,6% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,3%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước tăng 8,5%
Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng năm 2024 ước đạt 4.048,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,2% tổng mức và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 8,0%; may mặc tăng 8,7%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 7,5%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 6,6%.
Thống kê cho thấy, một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 9,6%; Hải Phòng tăng 9,5%; Thừa Thiên - Huế tăng 8,1%; Cần Thơ tăng 7,6%; Đà Nẵng tăng 7,5%...
Trao đổi với phóng viên VTVTimes, đại diện Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhận định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đang có xu hướng tăng trưởng mạnh và càng về thời gian cuối năm càng được cải thiện tốt. Điều này sẽ là đòn bẩy để sản xuất tăng trưởng, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh chóng và bứt tốc trong 2 tháng cuối năm để đạt được mục tiêu tăng trưởng.
Chia sẻ về giải pháp trong 2 tháng cuối năm, theo ông Bình, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để kích cầu tiêu dùng. Thực tế cho thấy, mặc dù nhu cầu tiêu dùng ngày càng hồi phục tốt hơn vào dịp cuối năm, song rõ ràng cón ố vẫn khiêm tốn, chưa cao so với thời kỳ trước dịch. Do đó, nước ta vẫn rất cần các chính sách kích cầu tiêu dùng một cách mạnh mẽ thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội, các chính sách tài khóa và tiền tệ. Đồng thời, tập trung phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, mở rộng tiêu dùng nội địa; tiếp tục khuyến khích người Việt Nam ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam nhằm tận dụng thị trường nội địa...
Về vấn đề này, đại diện Vụ Thị trường trong nước đề xuất chú trọng kích cầu du lịch nội địa tại các địa phương có lợi thế, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam thông qua đó để góp phần thúc đẩy các ngành dịch vụ trong nước, như: lưu trú, ăn uống; du lịch lữ hành; vận tải; bán lẻ hàng hóa... phát triển.../.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!