Kinh tế Đức chính thức rơi vào suy thoái

PV-Thứ năm, ngày 25/05/2023 18:19 GMT+7

Quý I/2023, các hộ gia đình giảm chi cho thực phẩm, nước uống, quần áo... (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)

VTV.vn - Số liệu mới công bố cho thấy GDP quý I của Đức giảm so với quý trước đó, khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu chính thức rơi vào suy thoái.

Theo số liệu do Cơ quan thống kê Đức Destatis công bố ngày 25/5, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức đã giảm 0,3% trong 3 tháng đầu năm nay. Trong quý IV/2022, kinh tế Đức cũng giảm 0,5%.

Các chuyên gia cho rằng, thông tin này không quá bất ngờ vì sản xuất công nghiệp tháng 3/2023 của Đức đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong 12 tháng.

Với việc GDP giảm 2 quý liên tiếp, nền kinh tế Đức đã rơi vào suy thoái, ít nhất là về mặt kỹ thuật.

Trước đó, dự báo sơ bộ cho rằng GDP của Đức chững lại trong quý I và nền kinh tế lớn nhất châu Âu tránh được suy thoái.

Lạm phát tiếp tục là một gánh nặng với nền kinh tế nước này vào đầu năm nay, Destatis nhận định. Điều này được phản ánh trong hoạt động chi tiêu của hộ gia đình, với mức giảm 1,2% trong quý I so với quý trước đó.

Theo Destatis, việc người dân lưỡng lự khi mua hàng thể hiện rõ ở nhiều lĩnh vực. Quý I/2023, các hộ gia đình giảm chi cho thực phẩm, nước uống, quần áo, giày dép và nội thất so với quý trước.

Doanh số bán xe hơi cũng giảm do Đức giảm trợ cấp cho việc mua xe hybrid và xe điện từ đầu năm 2023. Chi tiêu của Chính phủ cũng giảm 4,9%.

Trong khi đó, đầu tư của khu vực tư nhân 3,9% trong 3 tháng đầu năm, từ mức thấp của nửa cuối năm ngoái. Mức tăng trưởng này đến từ hoạt động xây dựng do môi trường thời tiết thuận lợi.

Bên cạnh đó, hoạt động thương mại đóng góp tích cực cho nền kinh tế, vì nhập khẩu của Đức giảm 0,9%, trong khi xuất khẩu tăng 0,4% trong quý I/2023.

Kết quả ảm đạm của 6 tháng qua cho thấy GDP Đức vẫn còn ngập lặn dưới mức trước dịch. Trong bối cảnh lạm phát cao và lãi suất leo thang, người tiêu dùng Đức siết chặt chi tiêu. Điều này dẫn tới doanh số bán lẻ giảm 8,6% so với cùng kỳ trong tháng 3 (đã điều chỉnh lạm phát).

Chỉ số niềm tin doanh nghiệp của Viện Ifo cũng cho thấy các công ty Đức cũng bi quan hơn về triển vọng tương lai. Trong tháng 5/2023, chỉ số này giảm lần đầu tiên trong 7 tháng qua.

Trong 3 tháng qua, lĩnh vực sản xuất bị đình trệ trong bối cảnh nhu cầu yếu, xuất khẩu và đơn hàng giảm. Điều này giáng đòn nặng nề vào kinh tế Đức.

Quý I/2023, sản lượng sản xuất tăng 2% so với quý trước, nhưng sự suy giảm đã thấy rõ trong tháng 3/2023. Tăng trưởng cũng yếu hơn ở lĩnh vực dịch vụ, Destatis cho biết.

Cùng ngày, công ty nghiên cứu thị trường GfK công bố kết quả khảo sát cho thấy niềm tin tiêu dùng tại Đức đã tăng tháng thứ 8 liên tiếp, nhưng đà tăng đã chậm lại và niềm tin tiêu dùng vẫn đang ở mức "rất thấp". GfK dự đoán tiêu dùng tư nhân trong năm nay sẽ không có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của Đức.

Chính phủ Đức dự đoán kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 0,4% trong cả năm 2023.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, Đức sẽ là nước có kết quả kinh tế yếu nhất trong các quốc gia lớn của thế giới trong năm 2023. GDP Đức sẽ giảm 0,1% trong năm nay, IMF dự báo.

Đức nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Đức nâng dự báo tăng trưởng kinh tế

VTV.vn - Sau nhiều thách thức do lạm phát và tắc nghẽn nguồn cung, nhiều nền kinh tế lớn đã bắt đầu chứng kiến các tín hiệu phục hồi, trong đó có Đức.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước