Các số liệu vừa công bố cho thấy, cuộc khủng hoảng năng lượng đã khiến lạm phát tại Đức trong tháng 9 tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021, đạt mức cao kỷ lục.
Theo báo cáo vừa được các viện kinh tế hàng đầu tại Đức và quốc tế công bố, tốc độ tăng giá tiêu dùng tại Đức sẽ không dừng lại trong những tháng tới, khi cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng.
"Theo dự báo của chúng tôi, lạm phát bình quân trong năm nay tại Đức sẽ đạt mức 8,4%. Năm sau, lạm phát sẽ còn tăng cao hơn nữa, đặc biệt là vào thời điểm đầu năm, khi giá khí đốt gây ra những tác động mạnh. Lạm phát được dự báo có thể đạt mức 8,8% trong năm tới. Chỉ khi những căng thẳng trên thị trường năng lượng dịu bớt và giá các mặt hàng giảm đáng kể, lạm phát mới có thể giảm về mức 2,2% trong năm 2024", ông Torsten Schmidt, chuyên gia Viện nghiên cứu kinh tế Leibniz, cho biết.
Lạm phát ở mức cao sẽ gia tăng sức ép lên các doanh nghiệp và người tiêu dùng Đức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế. GDP của Đức được dự báo chỉ tăng trưởng 1,4% trong năm nay, giảm một nửa so với mức dự báo hồi đầu năm.
GDP của Đức được dự báo chỉ tăng trưởng 1,4% trong năm nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)
Tình hình trong năm 2023 còn tệ hơn, khi GDP từ chỗ được kỳ vọng tăng trưởng hơn 3%, nay lại được cho là sẽ giảm 0,4%.
"Mặc dù sự điều chỉnh giảm này đã là khá đáng kể, các yếu tố rủi ro cao có thể khiến nền kinh tế suy yếu nhiều hơn nữa. Rủi ro lớn nhất, dĩ nhiên vẫn là cuộc xung đột tại Ukraine. Nếu nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt hoàn toàn, các nền kinh tế châu Âu sẽ suy thoái mạnh", ông Klaus Weyerstrass, chuyên gia Viện nghiên cứu Vienna, nhận định.
Trong một nỗ lực mới nhất nhằm hỗ trợ nền kinh tế, chính phủ Đức vừa cho biết, sẽ triển khai gói hỗ trợ 200 tỷ Euro để giúp các gia đình và doanh nghiệp ứng phó với giá năng lượng tăng cao. Các biện pháp được sử dụng dự kiến sẽ bao gồm cắt giảm thuế nhiên liệu và kiềm chế giá khí đốt. Tuy nhiên một số chuyên gia lo ngại, các biện pháp hỗ trợ có thể khiến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tiếp tục được giữ ở mức cao, trong bối cảnh nguồn cung ngày càng thiếu hụt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!