Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ lần đầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Gói tiền cứu trợ 1.900 tỷ USD dường như cũng có những tác dụng ban đầu khi doanh thu tiêu dùng của Mỹ đã bật tăng trong tháng trước.
Ngoài gói cứu trợ 1.900 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Joe Biden, một yếu tố vô cùng quan trọng giúp cho sức khoẻ của nền kinh tế tiêu dùng Mỹ khá hơn lên chính là việc tiêm phòng vaccine được triển khai rộng rãi.
Các lệnh giới nghiêm đặt ra với các doanh nghiệp cũng bắt đầu được gỡ bỏ hoặc nới lỏng tại nhiều bang. Nhiều người tiêu dùng đã sẵn sàng hơn cho việc đi ra ngoài du lịch, mua sắm, ăn uống hay chi tiêu như trước kia.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tạ Mỹ lần đầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. (Ảnh minh họa: National Review)
Tháng 3, ghi nhận doanh thu tại các chuỗi bán lẻ và nhà hàng tăng trưởng tới 9,8%, mức cao nhất kể từ tháng 5/2020. Các chuyên gia lạc quan rằng đà tiêu dùng này sẽ giữ được lâu, vì trong suốt 1 năm qua, các hộ gia đình đã tích cóp và tiết kiệm được một khoản tiền kha khá.
Ông Steven Ricchiuto - chuyên gia kinh tế trưởng chi nhánh Mizuho tại Mỹ cho biết: "Con số tăng trưởng của mảng tiêu dùng thật sự rất khả quan. Tuy nhiên, để đạt được mức dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2021 là 7,5% là rất khó. Theo tôi, dữ liệu này cho thấy tăng trưởng GDP vào khoảng 5,5 - 6% thì khả thi hơn. Nói cách khác, thị trường vẫn đang thận trọng, đó là lý do ngay sau khi con số tiêu dùng được công bố, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lại giảm".
Nhìn về thị trường lao động, vẫn còn rất nhiều người lao động Mỹ chật vật chống chọi với tác động kinh tế do đại dịch nhưng đã có một vài tín hiệu đáng mừng. Mới đây, Chính phủ Mỹ công bố số đơn trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm xuống chỉ còn 576.000 đơn tuần trước, mức thấp kỷ lục kể từ đầu đại dịch.
"576.000 đơn thất nghiệp cũng vẫn nằm ở mức cao cho thấy là những ai đã mất việc do đại dịch vẫn đang thất nghiệp. Nhưng đồng thời cũng cho thấy xu thế là đã có những ngành nghề mới, tạo ra những công ăn việc làm kiểu mới thời đại dịch, thay thế cho những công việc kiểu cũ có thể đã mất đi mãi mãi", ông Steven Ricchiuto nói.
Kinh tế Mỹ phát đi nhiều tín hiệu khả quan. (Ảnh: Getty Images)
Ngoài việc tiêm vaccine, chuyên gia kinh tế trưởng của Mizuho cho rằng nền kinh tế vẫn tiếp tục cần bơm thêm tiền, để có thể duy trì mức tăng trưởng như kì vọng.
Ông Steven Ricchiuto cho hay: "Cục Dự trữ Liên bang vẫn còn khả năng cung cấp thanh khoản cho hệ thống và Chủ tịch Jerome Powell đã nhiều lần chỉ ra rằng điều này sẽ được thực hiện trong một thời gian khá dài.
Ngoài các bảng cân đối vĩ mô ra, còn có bảng cân đối của hộ gia đình, bảng cân đối của doanh nghiệp phi tài chính và bảng cân đối của ngân hàng đều rất lành mạnh, tất cả đều ngụ ý về cơ bản rằng nền kinh tế đang hồi phục một cách vững chắc. Bây giờ, liệu chúng ta có thể tăng trưởng ở mức 5% hay 6% liên tục mà không có thêm kích thích? Không! Nếu không có kích thích, nền kinh tế sẽ lại quay về mức tăng trưởng khoảng 2 - 2,5% trong vài năm tới".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!