Kinh tế quý I: Nỗ lực trong gian khó

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 02/04/2023 14:38 GMT+7

VTV.vn - Tuần qua những thông tin kinh tế quý I được Tổng cục Thống kê công bố đã vẽ lên một bức tranh khá thách thức của kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

Giữ đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn

Theo đánh giá của báo Đầu tư dù tăng trưởng quý I chỉ đạt 3,32% nhưng trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu đó vẫn là một nỗ lực lớn.

Trong bức tranh của quý I sản xuất nông nghiệp và dịch vụ là những mảng sáng đáng ghi nhận. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,52% đóng góp 8,85%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91% vào mức tăng chung của nền kinh tế. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ. Còn khu vực du lịch, sau quyết định mở cửa từ tháng 3 năm ngoái đã và đang phục hồi mạnh mẽ.

Còn trong bài "Giữ đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn", báo Nhân dân thông tin thêm, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu hơn 4 tỷ USD. Số lượng dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới tăng cao so cùng kỳ cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.

Kinh tế quý I: Nỗ lực trong gian khó - Ảnh 1.

Liên quan đến các con số xuất nhập khẩu, kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục suy giảm và dự báo còn kéo dài. Do vậy, các đơn hàng của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, thủy sản đã buộc phải xoay hướng, khai thác các thị trường mới với kết quả bước đầu khả quan.

Theo báo Đại đoàn kết, bên cạnh các thị trường truyền thống các doanh nghiệp đã tìm đường sang Australia, Canada để tìm đơn hàng mới. Ngoài ra, việc thị trường Trung Quốc đã mở cửa nên việc thông thương được lợi hơn rất nhiều nên đơn hàng qua cửa khẩu cũng đã tăng hơn trước. Bộ Công Thương cũng khuyến cáo thời gian tới cần đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực Nam Á, châu Phi vì dư địa còn rất lớn.

Điểm cộng ổn định vĩ mô

Một trong những điểm cộng đáng chú ý từ kết quả kinh tế quý I được báo Đầu tư phân tích đó là điểm cộng về ổn định kinh tế vĩ mô, với lạm phát 3 tháng đạt 4,18%, đang nằm trong tầm kiểm soát và khá hợp lý so với mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% trong năm nay của Quốc hội giao.

Đặc biệt theo quy luật CPI quý I luôn thường "căng" nhất nên hoàn toàn có thể kỳ vọng, lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt hơn trong những tháng tới đây. Ổn định kinh tế vĩ mô chính là nền tảng quan trọng để nền kinh tế có thể tiếp tục phục hồi và phát triển.

Con số tăng trưởng quý I như vậy khiến cho việc đạt mức tăng trưởng 6 - 6,5% năm nay là hết sức khó khăn. Việc này đòi hỏi sự linh hoạt, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và như nhiều tờ báo nhấn mạnh cần quyết tâm giải ngân tối đa đầu từ công, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế cả trước mắt và lâu dài.

Kinh tế quý I: Nỗ lực trong gian khó - Ảnh 2.

Tỷ lệ ước giải ngân đầu tư công 3 tháng đầu năm đạt 9,69%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiệm vụ này đã nhiều lần được người đứng đầu Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao, để khai thông nguồn lực cho phục hồi cho phát triển. Theo báo Lao động, muốn làm được việc này phải gỡ vướng từ các địa phương.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã ký văn bản khẩn gửi các sở, ngành, quận, huyện và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, yêu cầu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Khối lượng công việc nhiều, quy mô vốn năm nay tăng, cộng thêm việc giá nguyên vật liệu biến động đã ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng.

Bình luận về quyết tâm giải ngân của TP Hồ Chí Minh theo báo Sài Gòn Giải phóng, đây cũng là dịp để đánh giá năng lực của cán bộ, nhất là người đứng đầu. Tất nhiên, cũng cần mạnh tay hơn, nếu công việc cứ loay hoay mà không chạy được nghiêm khắc xử lý trách nhiệm, buộc người đứng đầu phải "đứng qua một bên cho người khác làm". Thêm một nút giao thông, trường học, bệnh viện… được hoàn thành sẽ thấy rất rõ nụ cười hạnh phúc trên gương mặt người dân.

Đòn bẩy hút khách du lịch quốc tế

Ngoài đầu tư công, du lịch cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp thêm nhiều cho tăng trưởng. Việc Chính phủ đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng được kỳ vọng sẽ tạo đòn bảy hút khách du lịch quốc tế.

Còn theo báo Đầu tư, Chính phủ đã thống nhất trình Quốc hội xem xét chủ trương cấp thị thực điện tử cho công dân đến Việt Nam của tất cả các nước và vùng lãnh thổ. Như vậy, cam kết của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến chính sách visa sau hàng loạt kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong 2 tuần qua đã được thực hiện.

Nỗi lo "đi trước, về sau" của du lịch Việt Nam đã bắt đầu được gỡ những nút thắt lớn để bắt kịp xu hướng phát triển mới của du lịch thế giới sau đại dịch.

Kinh tế quý I: Nỗ lực trong gian khó - Ảnh 3.

Theo bình luận của báo Đại biểu Nhân dân, một chính sách visa cởi mở sẽ hỗ trợ tốt hơn cho ngành du lịch nhưng không thể thay đổi toàn bộ ngành.

Ngành du lịch muốn phát triển bền vững, cần đầu tư bài bản vào cải thiện hạ tầng, xây dựng các sản phẩm hấp dẫn, nâng cao chất lượng nhân lực… Hoặc về lâu dài, không thể nhờ cậy cả vào nguồn vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng và xây dựng cơ sở hạ tầng. Đầu tư công nếu quá nhiều có thể tạo hiệu ứng chèn lấn đầu tư tư nhân.

Vì vậy, quyết tâm giải ngân đầu tư công cần đi kèm với các nỗ lực nhằm tạo nền tảng cho việc thúc đẩy đầu tư tư nhân và tạo cơ chế để tăng cường các hình thức đối tác công - tư.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước