Kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng như vậy là nhờ động lực chính là đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế tạo, nhất là điện tử, chế tạo máy, dệt may và giày dép.
Với tốc độ tăng trưởng trên, Việt Nam sẽ tiếp tục dẫn đầu top 5 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Tăng trưởng của Philippines dự báo sẽ đạt 5,7% năm 2023 và 6,1% năm 2024, Indonesia 4,7% và 5,1%, còn Malaysia 4% và 4,2%, xếp trên Thái Lan đạt tương ứng 3,8% và 3,9%.
Báo cáo của OECD nhan đề "Triển vọng kinh tế Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ năm 2023: Phục hồi du lịch sau đại dịch" cho rằng việc kết thúc các chương trình hỗ trợ sau dịch COVID-19 sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam cải thiện tình hình tài chính công, nhưng nhu cầu yếu hơn có thể sẽ làm giảm bớt đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam. Báo cáo cũng khuyến nghị cần phải tiếp tục giám sát chặt xu hướng lạm phát.
Theo OECD, các nền kinh tế mới nổi châu Á, bao gồm ASEAN cùng với Trung Quốc, Ấn Độ đã cho thấy sức hồi phục tốt trước diễn biến phức tạp toàn cầu, đứng vững trước những thách thức lớn như dịch COVID-19, xung đột tại Ucraina và kinh tế toàn cầu giảm tốc. Những thành tích đó đạt được nhờ chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô phù hợp, hiệu quả xuất khẩu và nhu cầu nội địa mạnh mẽ ở một số nước. Tăng trưởng bình quân của các nền kinh tế mới nổi châu Á dự báo sẽ đạt 5,3% năm 2023 và 5,4% năm 2024.
Tuy nhiên, các nền kinh tế mới nổi châu Á tiếp tục đứng trước những nguy cơ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng và ổn định, bao gồm lạm phát, kinh tế toàn cầu giảm tốc và đứt gãy chuỗi cung ứng. Hiện nay, lạm phát trong khu vực vẫn còn tương đối thấp hơn những nơi khác, nhờ các chính phủ áp dụng chính sách trợ giá, hạn chế xuất khẩu, cắt giảm thuế, kiểm soát giá cả để hạn chế tác động của việc giá lương thực và năng lượng toàn cầu tăng. Tuy nhiên, những biện pháp này cũng gây ra tác động tiêu cực trong dài hạn, chỉ nên áp dụng có trọng điểm và tạm thời. Trong khi đó, tác động của việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu đi xuống sẽ phụ thuộc vào cơ cấu xuất khẩu của từng nước. Việt Nam và Campuchia bị ảnh hưởng nhiều hơn, do tỷ trọng xuất khẩu dệt may và giày dép lớn. Nhu cầu của các mặt hàng này trên thị trường thế giới giảm sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp tại hai nước gia tăng.
Đánh giá về du lịch, báo cáo của OECD nhận xét Việt Nam có thế mạnh nhờ phong cảnh đẹp, sự đa dạng của các loại hình du lịch dựa vào đời sống cộng đồng. Du lịch di sản, văn hóa và ẩm thực cũng rất có tiềm năng. Thách thức lớn nhất là nâng cao chất lượng hạ tầng, liên kết tốt hơn giữa các tác nhân cung cấp dịch vụ du lịch, mở rộng sự tham gia của cấp địa phương và kiểm soát tốt hơn du lịch ồ ạt tại các khu vực tự nhiên.
Theo OECD, Việt Nam cần phải nhanh chóng đa dạng hóa các nguồn khách từ bên ngoài, chú trọng đến thị trường các nước ASEAN và Ấn Độ, đồng thời khai thác tốt hơn du lịch nội địa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!