Câu chuyện trên các báo trong nước ngày 18/4 cũng không quá mới nhưng một vài diễn biến thời sự lại làm cho nó có thêm tình tiết hấp dẫn.
Tờ Đầu tư dùng luôn ý tứ đổ lỗi của một doanh nghiệp làm tiêu đề: Do taxi công nghệ cạnh tranh, Vinasun giảm chỉ tiêu doanh thu 2018. Mức giảm là 1.070 tỷ đồng so với kết quả năm 2017. Và chắc cũng là do taxi công nghệ mà hãng này cho gần chục nghìn tài xế cơ hội ứng tuyển việc mới.
Việc giảm doanh thu hay sa thải nhân sự chỉ là 2 trong nhiều đặc tính, biểu hiện hay hệ quả của một nền kinh tế, được tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn gọi là Nền kinh tế không mặt người. Uber rời Đông Nam Á. Sự việc tưởng chừng như bình thường lại gọi tên một hẫng hụt: hóa ra, nền kinh tế số với mô hình kinh doanh ưu việt, lại là một nền kinh tế không mặt người, thậm chí, không tính người, tình người.
Với doanh nghiệp bình thường, khi thương lượng bán hoạt động cho doanh nghiệp khác, điều thường trực trong bàn đàm phán là số phận nhân viên, cách tiếp nhận khách hàng cũ, sự tiếp nối những truyền thống làm nên văn hóa của doanh nghiệp trước khi bán đi. Đằng này, hàng ngàn người vay vốn ngân hàng, đầu tư vào một chiếc xe để chạy dịch vụ cho Uber, hoàn toàn không ngờ một hôm thức dậy, Uber không còn nữa. Dĩ nhiên, nhiều người trong số họ vẫn sẽ tiếp tục đầu quân cho Grab nhưng với họ, Uber là sự bội tín khi từng dùng nhiều từ hoa mỹ để lôi kéo họ vào cuộc chơi, kể cả mang nợ không nhỏ với ngân hàng.
Nếu có chất vấn, lập luận đơn giản là tài xế đâu phải nhân viên nên không thể đòi hỏi trach nhiệm, Uber chỉ cung cấp sự kết nối thôi. Thời báo Kinh tế Sài Gòn kể tiếp câu chuyện về nền kinh tế không mặt người. Lần này đến lượt Facebook.
Facebook, Google chỉ xem người dùng là các số liệu thống kê để họ tăng giá trị cổ phiếu và để bán thông tin cho ai muốn mua. Nếu có đánh đồng chung một tài xế Uber và hầu hết những người dùng Facebook, Google cũng chẳng sai. Đó gần như là bị kinh tế không mặt người dẫn đường chỉ lối, rồi bị khai thác theo cách này hay cách khác mà cái kết là 2 trường hợp: chưng hửng không biết đi đâu về đâu như tài xế Uber hay ngớ người "hóa ra mình bị lợi dụng từ lâu mà không biết" như sự vụ Facebook.
Bài viết dẫn tiếp chuyện robot thay thế con người trong công việc? Thật quá hay nhưng cũng thật bạc bẽo. Chúng ta đã nói nhiều về tương lai của anh công nhân thất nghiệp trong thời robot.
Vậy nên, có quá tiêu cực không thì nhìn nhận mặt trái của mô hình kinh doanh thời kỹ thuật số tuy ưu việt nhưng bội tín hay thiếu tính người?
Đây hẳn là một vấn đề rất cần được các nhà làm chính sách, giới quản lý lưu tâm khi tìm cách ứng xử với các mô hình mới của nền kinh tế số.
Quan tâm đến lợi ích của người lao động, người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi trước rủi ro xâm hại... những điều này, thậm chí còn quan trọng và cấp bách hơn chuyện thu được đồng thuế của kinh tế không mặt người. Và biết đâu, doanh nghiệp khởi nghiệp trong các lĩnh vực mới biết chú ý đến tính người lại thành công vượt trội thì sao?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!