Bộ trưởng Guindos. Ảnh: Expansión.
Theo nhận định của Bộ trưởng Guindos, việc lãnh đạo vùng tự trị Catalonia thúc đẩy nỗ lực tách khỏi Tây Ban Nha sẽ tác động đến tốc độ kinh tế Tây Ban Nha và buộc chính quyền trung ương cắt giảm dự báo vào năm 2018. Đề cập đến việc nếu Tây Ban Nha thành công trong việc áp đặt quyền lãnh đạo trực tiếp của chính phủ trung ương đối với khu vực này, ông Guindos hi vọng Quốc hội Tây Ban Nha sẽ sớm trở lại làm việc và thông qua ngân sách 2018 trong vài tuần tới. Ông cho biết thêm không thể loại trừ việc vấp phải chống đối của chính quyền Catalonia, song ông tin rằng giới công chức khu vực sẽ hợp tác với chính phủ.
Catalonia là một vùng giàu có ở Đông Bắc của Tây Ban Nha, với 7,5 triệu dân, chiếm khoảng 16% tổng dân số. Vùng này đóng góp tới 19% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tây Ban Nha, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và thu hút 20,7% lượng vốn đầu tư nước ngoài. Vấn đề Catalonia nếu không được dập tắt sẽ có nguy cơ đe dọa đến sự thống nhất của Tây Ban Nha cũng như của Liên minh châu Âu. Ngoài ra, do Tây Ban Nha là nền kinh tế lớn thứ 4 trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nên những bất ổn ở Catalonia cũng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của Tây Ban Nha nói riêng và kinh tế của Eurozone nói chung.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha tiếp tục giảm trong quý III/2017, từ 17,2% trong quý trước đó xuống còn 16,4%. Theo lý giải của Viện thống kê Tây Ban Nha, nguyên nhân đây là thời điểm Tây Ban Nha bắt đầu bước vào mùa du lịch, nhu cầu tuyển dụng các công việc thời vụ bùng nổ. Như vậy, so với quý I/2013 - thời điểm tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha lên mức kỷ lục tới 26,9% - tỷ lệ này đã giảm rất mạnh song vẫn ở mức cao, đứng thứ 2 trong Eurozone sau Hy Lạp. Hiện thất nghiệp vẫn là một trong những thách thức của nền kinh tế này khi số việc làm tạm thời nhiều hơn số việc làm dài hạn.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.