Đáng sợ không chỉ là sự đe dọa đến sinh mạng, mà đáng sợ còn ở những tác động kinh tế của Ebola lên cuộc sống mưu sinh của từng người dân cũng như nền kinh tế cả khu vực Tây Phi.
Trước kia, con phố mua sắm tấp nập tại Conakry, thủ đô Guinea thì nay vắng tanh ảm đạm. Như rất nhiều người khác, bà Dede Diallo, người dân Guinea đã nghỉ việc ở nhà từ khi dịch Ebola bùng phát. Bà cho biết: “Cả tôi và chồng đều không đi làm nữa, gia đình không có thu nhập, sống rất khó khăn, nhưng còn hơn là lây bệnh”.
‘ Một bệnh nhân nhiễm virus Ebola tại Sierra Leone đang được điều trị. Ảnh AP
Hoạt động sản xuất và nông nghiệp tại Guinea bị đình trệ, khi người dân không dám đi làm do nỗi sợ Ebola. Cửa hiệu, ngân hàng và các trường học đều đang đóng cửa vô thời hạn.
Sierra Leone, Tổ chức hỗ trợ toàn cầu SOS cho biết, họ đã nhận được "hàng trăm yêu cầu tư vấn về dịch Ebola" từ các công ty nước ngoài đang hoạt động tại châu Phi chỉ trong vài tuần qua.
Các công ty khai thác khoáng sản tại Sierra Leone, như London Mining và African Minerals, đã nhanh chóng rời một phần nhân công khỏi khu vực dịch bệnh. Hoạt động khai thác chững lại do thiếu nhân công, giá cổ phiếu của các công ty này đã giảm đến 60% kể từ tháng Giêng. Còn các tập đoàn Hàn Quốc như Samsung hay Huyndai đều đang cân nhắc khả năng phải đóng cửa các cơ sở sản xuất tại đây.
Bà Wangi Mba-Uzoukwu, Đại diện hãng Huyndai tại các nước Tây Phi cho biết: "Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ sự lây lan của dịch Ebola trước khi quyết định đóng cửa các cơ sở sản xuất”.
Từ ngày dịch Ebola bùng phát, giá trị xuất khẩu nông sản của Liberia liên tục sụt giảm. Ông Dore Dlamili, thương lái buồn rầu: “Đối tác cứ nhất quyết cho rằng nông sản của chúng tôi nhiễm khuẩn Ebola. Trong 2 tuần qua, chúng tôi đã phải vứt đi rất nhiều hàng tồn bị hư hỏng do không bán được”.
Theo Bộ trưởng Tài chính Liberia - ông Amara Konneh, dịch Ebola sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của Liberia chỉ còn 6,8% trong năm nay, giảm hơn 2% so với năm ngoái.