Doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bứt phá mạnh từ đầu năm
Đóng góp hơn 22% GDP cả nước, gần 27% tổng thu ngân sách quốc gia, TP Hồ Chí Minh là địa bàn trọng yếu. Do vậy, sự hồi phục kinh tế thành phố có ý nghĩa rất lớn vào tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.
Theo báo cáo về Tình hình kinh tế - xã hội quý I, đã có 98% số cơ sở sản xuất trên địa bàn hoạt động lại. Dù tốc độ không đồng đều giữa các ngành, nhưng đánh giá một cách tổng thể, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã và đang hồi phục một cách mạnh mẽ.
Là một trong những ngành chịu tác động mạnh của dịch bệnh vào năm ngoái, năm nay hầu hết các doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết quý II và thậm chí là quý III.
Ngoài việc tận dụng tốt lợi thế của các hiệp định thương mại đã ký, hoạt động sản xuất cũng đang có được trợ lực lớn từ các chính sách. Chẳng hạn như Quyết định 08 về hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân đến hết tháng 6.
"Gần đây chúng ta còn có hỗ trợ thêm nhà ở cho công nhân. Mặc dù đang triển khai nhưng nó là dấu hiệu tốt, tác động trực tiếp tới người lao động", ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng Jean cho hay.
Năm nay hầu hết các doanh nghiệp dệt may tạ TP Hồ Chí Minh đã có đơn hàng đến hết quý II và thậm chí là quý III. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí
Theo Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh, hiện nay 1.500 nhà máy đã hoạt động ổn định. Lượng công nhân quay trở lại làm việc đạt trên 96%.
Theo các doanh nghiệp, với quyết định "nới" trần giờ làm thêm lên 60 giờ/tháng cũng giúp giải quyết những khó khăn về lao động trong tình hình sản xuất mới. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số, tối ưu hóa hoạt động từ giai đoạn dịch bệnh, đang giúp các doanh nghiệp có sức bật tốt hơn trong giai đoạn sản xuất bình thường trở lại này.
Thách thức tăng trưởng bền vững kinh tế TP Hồ Chí Minh
Nếu nhìn lại kinh tế TP Hồ Chí Minh nửa cuối năm ngoái, với mức giảm sâu GRDP tới gần -25% trong quý III, giảm chậm lại -11,64% trong quý IV thì có thể thấy sự phục hồi tăng trưởng dương quý I năm nay là hết sức tích cực.
Tuy nhiên, sự phục hồi này vẫn chưa đồng đều giữa các ngành như khu vực dịch vụ, dù tăng 2,87% so với cùng kỳ, nhưng xét về thành phần, vẫn có tới 6 nhóm dịch vụ tăng trưởng âm như dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành… Điều này cho thấy kinh tế TP Hồ Chí Minh vẫn còn đối diện nhiều thách thức để có thể bật tăng mạnh mẽ và toàn diện.
Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, sự tăng trưởng kinh tế thành phố quý I chủ yếu dựa trên nền số liệu của 2 năm vừa qua, khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nhất định bởi dịch bệnh.
Ngoài số liệu thống kê cho thấy ngành dịch vụ giảm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn của doanh nghiệp thành lập mới tại TP Hồ Chí Minh đều giảm. Điều này cho thấy sự tăng trưởng hiện chưa thực sự bền vững.
"Khi tất cả các hoạt động kinh tế mở cửa trở lại đáng lẽ doanh thu dịch vụ và số vốn thành lập mới của doanh nghiệp phải tăng nhưng nó tăng không đúng như mong đợi. Điều đó cho thấy chúng ta nói phục hồi nhưng thực sự người dân và doanh nghiệp vẫn chưa quay lại với những nhu cầu như trước đây", PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhận định.
Chưa kể, nền kinh tế thành phố cũng đang đứng trước thời điểm rất thách thức như những bất ổn toàn cầu hậu COVID-19, sự tăng giá năng lượng và các yếu tố đầu vào, sự đứt gãy chuỗi logictics toàn cầu làm tăng thời gian xuất nhập khẩu hàng hóa.
Do đó, để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững thời gian tới, các chuyên gia đưa ra 3 giải pháp: Thứ nhất, xây dựng kế hoạch phục hồi nhanh chóng ngành du lịch; Thứ hai, đẩy nhanh hơn nữa các chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp như miễn giảm, gia hạn nộp thuế, tái cơ cấu lại nợ…; Thứ ba, tiếp tục hỗ trợ người lao động thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội.
Kinh tế TP Hồ Chí Minh phục hồi tích cực. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN.
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho biết thêm: "Đặc thù nền kinh tế của chúng ta do những sự hạn chế và mỏng về ngân sách thì sự ưu đãi, sự hỗ trợ đến từ thể chế nó quý hơn và có ý nghĩa hơn. Đây là cái tôi thấy TP Hồ Chí Minh với sự năng động sáng tạo nên có sự tiên phong và đột phá về ưu đãi thể chế cho người dân".
Trong cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội mới đây, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, trong quý tiếp theo sẽ tập trung nhiều giải pháp cho tăng trưởng ngành dịch vụ du lịch, công nghiệp điện tử, xây dựng, giải ngân đầu tư công…
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh nói: "Chúng tôi sẽ bổ sung các giải pháp để tiếp cận cái gói hỗ trợ phục hồi kinh tế từ các gói tài khóa tiền tệ, triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và đồng hành cùng doanh nghiệp".
Với việc ứng dụng chuyển đổi số để rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; phát huy vai trò các tổ công tác của các ban ngành… thành phố kỳ vọng đà phục hồi nền kinh tế sẽ được giữ vững và đạt mục tiêu trong các quý tiếp theo.
Với những nhận định đầy lạc quan của các tổ chức quốc tế như WB hay ADB đưa ra gần đây về kinh tế Việt Nam, cũng rất có cơ sở để lạc quan về kinh tế TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!