Kinh tế Trung Quốc phục hồi quanh co

Thùy An-Thứ hai, ngày 17/06/2024 10:59 GMT+7

Kinh tế Trung Quốc chứng kiến sự phục hồi khó khăn trong tháng 5

VTV.vn - Doanh số bán lẻ tháng 5 của Trung Quốc vượt kỳ vọng nhưng sản lượng công nghiệp và đầu tư tài sản cố định lại thấp hơn so với dự báo của giới đầu tư.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 5 đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, vượt mức kỳ vọng tăng 3% trong cuộc thăm dò của Reuters. Tuy nhiên, các số liệu kinh tế khác như sản lượng công nghiệp và đầu tư tài sản cố định đều không đạt mức dự báo của các nhà đầu tư.

Cụ thể, sản lượng công nghiệp tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức kỳ vọng 6%, trong khi đầu tư tài sản cố định tăng 4% so với cùng kỳ, kém dự báo 4,2% trong cuộc thăm dò của Reuters.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng đạt 3,92 nghìn tỷ nhân dân tệ ( tương đương 540,32 tỷ USD), với doanh số bán hàng ở khu vực thành thị tăng 3,7%, doanh số bán hàng ở khu vực nông thôn tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

NBS lý giải, việc thiếu đầu tư vào tài sản cố định đã kéo theo sự sụt giảm mạnh vốn đầu tư vào bất động sản. Nếu không tính bất động sản, tổng đầu tư tài sản cố định cao hơn 8,6% so với cùng kỳ.

Kinh tế Trung Quốc phục hồi quanh co - Ảnh 1.

Doanh số bán lẻ tháng 5 của Trung Quốc vượt kỳ vọng nhưng sản lượng công nghiệp và đầu tư tài sản cố định lại thấp hơn so với dự báo của giới đầu tư.

Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giữ ở mức 5% trong tháng 5, không thay đổi so với tháng 4 và thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với tháng 5 năm ngoái.

Xuất khẩu của Trung Quốc tăng 7,6% so với cùng kỳ, vượt dự báo ở 6% của các nhà đầu tư. Ngược lại, nhập khẩu không đạt kỳ vọng, chỉ tăng 1,8%.

Dữ liệu cho vay mới được công bố cho thấy nhu cầu yếu. Theo Wind Information, dư nợ cho vay bằng Nhân dân tệ đã tăng 9,3% trong tháng 5 so với cùng kỳ. Đây là mức tăng chậm kỷ lục kể từ năm 1978.

Cũng theo Wind Information, nguồn cung tiền M1, bao gồm tiền mặt trong lưu thông và tiền gửi không kỳ hạn, đã giảm 4,2% trong tháng 5, mức cao kỷ lục kể từ năm 1986.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs dẫn thông tin từ báo chí Trung Quốc cho biết, Ngân hàng trung ương Trung Quốc PboC lý giải, sự tăng trưởng M1 chậm lại là do các biện pháp quản lý các khoản cho vay giả và dòng tiền chảy ra liên quan đến các sản phẩm quản lý tài sản.

Dữ liệu lạm phát trong tháng 5 cho thấy giá tiêu dùng, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, đã tăng 0,6% so với một năm trước.

Ngay sau khi kinh tế Trung Quốc công bố số liệu tháng 5, các mã blue chip của nước này đã giảm 0,2%. Trong khi đó, chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 1,7%, khiến các nhà đầu tư hiện phải chờ đợi thêm để biết các bước thắt chặt tiếp theo của Ngân hàng Nhật Bản.

Chỉ số EUROSTOXX 50 tăng 0,3% trong khi S&P 500 giữ ổn định. Nasdaq tăng 0,1% sau khi lập kỷ lục vào tuần trước.

Đà phục hồi kinh tế Trung Quốc: Cơ hội và thách thức Đà phục hồi kinh tế Trung Quốc: Cơ hội và thách thức

VTV.vn -Kinh tế Trung Quốc đã có những tín hiệu phục hồi tích cực trong nửa đầu năm 2024. Vậy liệu nền kinh tế tỷ dân có băng băng về đích đạt tăng trưởng 5% khi năm 2024 kết thúc?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước