Đà phục hồi kinh tế Trung Quốc: Cơ hội và thách thức

VTV Digital-Thứ ba, ngày 11/06/2024 15:08 GMT+7

VTV.vn -Kinh tế Trung Quốc đã có những tín hiệu phục hồi tích cực trong nửa đầu năm 2024. Vậy liệu nền kinh tế tỷ dân có băng băng về đích đạt tăng trưởng 5% khi năm 2024 kết thúc?

Thị trường chờ đợi dữ liệu lạm phát Trung Quốc

Việt Nam vừa ăn Tết Đoan Ngọ, còn tại Trung Quốc, dịp Tết này trùng với lễ hội thuyền rồng - một ngày lễ cổ truyền vô cùng quan trọng với quốc gia này. Vậy đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc có tiến băng băng như những con thuyền rồng này hay không? Tiêu dùng trong nước, cũng như xuất nhập khẩu sẽ ra sao trong những tháng tới? Đây là các câu hỏi đang khiến thị trường châu Á vô cùng quan tâm vì với GDP lên tới 18,5 nghìn tỷ USD, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của nhiều quốc gia trong khu vực.

Năm 2024 được các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc coi là một năm quan trọng trong việc khôi phục niềm tin của các doanh nghiệp và người tiêu dùng vào nền kinh tế, cũng như là thoát khỏi bẫy giảm phát và nợ nần. Nhìn tổng quan, nền kinh tế tỷ dân đúng là đã vượt qua những tháng nửa đầu năm nay với nhiều điểm sáng, tuy vẫn còn một vài thử thách nhất là ở lĩnh vực bất động sản.

Đà phục hồi kinh tế Trung Quốc: Cơ hội và thách thức - Ảnh 1.

Lạm phát tổng thể của Trung Quốc được dự báo sẽ duy trì ổn định ở mức tăng khoảng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh minh họa - Ảnh: Xinhua)

Bức tranh kinh tế nửa đầu năm dần sáng tỏ với những số liệu. Riêng trong ngày 12/6, Bắc Kinh sẽ công bố số liệu lạm phát CPI tháng 5 và chỉ số giá sản xuất PPI. Lạm phát tổng thể của Trung Quốc được dự báo sẽ duy trì ổn định ở mức tăng khoảng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá sản xuất PPI có thể sẽ tăng cao hơn một chút nhưng có thể sẽ vẫn ở trạng thái giảm phát.

Nói về tình hình lạm phát của Trung Quốc, hãng tin Reuters bình luận mặc dù số liệu lạm phát có thể vẫn ở mức thấp trong quý hai nhưng chỉ số này sẽ bắt đầu tăng trong nửa cuối năm. Đây sẽ là một điểm sáng nữa, cho thấy sức mua phục hồi.

Ngoài ra, dữ liệu tín dụng của Trung Quốc sẽ được công bố trong tuần tới. Sau dữ liệu yếu trong tháng 4, thị trường đang kỳ vọng sẽ thấy sự phục hồi vào tháng 5 trong bối cảnh triển chính phủ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân đi vay.

Doanh nghiệp xuất khẩu tại Trung Quốc lạc quan

Dựa vào số liệu thì xuất khẩu tại Trung Quốc đang phục hồi nhanh hơn rất nhiều. Cách đây 2 ngày thì Bắc Kinh đã công bố dữ liệu về lĩnh vực xuất khẩu tháng 5 tăng mạnh so với tháng 4 và vượt xa so với dự báo trước đó.

Theo số liệu hải quan Trung Quốc mới công bố, giá trị các lô hàng xuất khẩu của nước này tăng 7,6%. Trước đó vào tháng 4, xuất khẩu chỉ tăng 1,5%. Chính số liệu tăng vọt này khiến các chuyên gia được Reuters khảo sát cho rằng, trong tháng 6 này, xuất khẩu của Trung Quốc có thể sẽ tăng tới 6%.

Đà phục hồi kinh tế Trung Quốc: Cơ hội và thách thức - Ảnh 2.

Tăng trưởng của Trung Quốc hiện nay đang phụ thuộc rất nhiều vào lĩnh vực xuất khẩu. Ảnh minh họa - Ảnh: Ảnh: Xinhua.

Xuất khẩu thuận lợi tức là các doanh nghiệp nhà xưởng ở Trung Quốc đang khá thành công trong việc tìm các đối tác thương mại nước ngoài. Nói tới hàng hoá Trung Quốc xuất khẩu thì mạnh nhất là mảng vật liệu xây dựng, trang thiết bị cho ngành đường sắt, dược phẩm và ngành xuất khẩu thực phẩm cũng quan trọng không kém.

Người dân Trung Quốc vừa trải qua Lễ hội Thuyền rồng 5/5 âm lịch - một trong 3 ngày lễ cố truyền lớn nhất của quốc gia này. Bánh tam giác chính là loại bánh cổ truyền nổi tiếng ở nước này trong dịp lễ. Đã có nhiều doanh nghiệp địa phương xuất khẩu hàng tấn bánh ra các thị trường nước ngoài thu về vài trăm triệu USD một năm chỉ từ loại bánh nhỏ bé này.

Bà Tu Cai Hong - Giám sát kỹ thuật tại nhà máy sản xuất bánh cho biết: "Một ngày chúng tôi sản xuất ra được 1 triệu cái bánh tam giác. Nhân công trong xưởng lên tới hơn 200 người. Vừa kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao Trung Quốc và Pháp, chúng tôi cũng đặc biệt làm riêng những loại bánh hợp khẩu vị người Pháp để xuất khẩu. Năm 2023, chúng tôi đạt doanh số hơn 350 triệu USD".

Như vậy, có thể thấy, tăng trưởng của Trung Quốc hiện nay đang phụ thuộc rất nhiều vào lĩnh vực xuất khẩu. Chưa kể thách thức lớn trong mảng bất động sản. Vậy những tháng tới liệu bức tranh phục hồi chưa đồng đều này sẽ như thế nào?

Trong thời gian tới, thương mại sẽ có thể gặp khó, khi mà làn sóng bảo hộ trên toàn cầu đang gia tăng và hàng hoá Trung Quốc xuất khẩu cũng có thể bị ảnh hưởng. Ước tính trong năm ngoái có đến 3.000 biện pháp bảo hộ được áp dụng, tăng gấp 3 lần so với năm 2019.

Theo các chuyên gia, có thể Bắc Kinh phải đưa ra thêm những biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn. Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm 2024. Nhưng các nhà phân tích cho rằng để thực hiện được mục tiêu này Trung Quốc sẽ cần triển khai thêm các biện pháp kích thích.

Kinh tế Trung Quốc tháng 4: Sản xuất tăng tốc, tiêu dùng chậm lại Kinh tế Trung Quốc tháng 4: Sản xuất tăng tốc, tiêu dùng chậm lại Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vượt dự báo Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vượt dự báo Kinh tế Trung Quốc có thể chậm lại trong quý I Kinh tế Trung Quốc có thể chậm lại trong quý I

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước