Kinh tế tư nhân ở Việt Nam đang dần trở thành một thành phần không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Một trong những dấu ấn thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển là Nghị quyết số 10 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đã nhấn mạnh vai trò động lực quan trọng của khu vực kinh tế này. Đây là Nghị quyết có tính đột phá trong tư duy, giúp kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, hiệu quả. Nghị quyết này ngay khi ra đời đã được kỳ vọng như khoán 10 trong nông nghiệp trước đây để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Kinh tế tư nhân đóng góp hơn 40% GDP
Kinh tế tư nhân đã thể hiện được "động lực quan trọng để phát triển kinh tế" của mình khi khu vực này hiện đóng góp hơn 42% GDP, đứng đầu trong các loại hình doanh nghiệp và đang đặt mục tiêu tăng lên 55% vào năm 2025; 60 - 65% GDP vào năm 2030.
Ngoài ra, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp trên 30% thu ngân sách nhà nước và có tốc độ tăng nhanh 15% mỗi năm, cao gấp 2 lần khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 1,5 lần khu vực kinh tế nhà nước.
Với 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động và 5,4 triệu hộ kinh doanh, khu vực tư nhân cũng đang tạo ra 45 triệu việc làm, chiếm 85% tổng số việc làm trong nền kinh tế.
Khơi gợi tinh thần kinh doanh, tiên phong trong phát triển
Kinh tế tư nhân ở Việt Nam đang dần trở thành một thành phần không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ảnh minh họa.
Kinh tế tư nhân đã vươn lên và ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Nhiệm kỳ 5 năm qua, khối kinh tế này không chỉ lớn lên về quy mô, đóng góp cho nền kinh tế, mà quan trọng hơn tinh thần kinh doanh đã được lan tỏa. Từ đó tạo nền tảng cho một cộng đồng bền vững và có sự tiếp nối để vững vàng vượt qua những thử thách khó khăn như dịch bệnh, biến động kinh tế toàn cầu.
Những nỗ lực tự thân cùng với sự hỗ trợ, cải thiện môi trường kinh doanh của Nhà nước đã giúp khu vực kinh tế tư nhân lớn lên nhanh chóng.
Mỗi 1 năm, khu vực kinh tế tư nhân tăng trung bình hơn 128.000 doanh nghiệp, tương đương tăng 63% về số lượng và tăng gấp 2 lần về vốn đầu tư đăng ký so với giai đoạn 5 năm trước.
Trong nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước, các doanh nghiệp tư nhân đang từng bước vươn lên chiếm vị trí chủ đạo.
Tiếp tục thay đổi tư duy, hành động về kinh tế tư nhân
Phát triển kinh tế tư nhân đã đạt được không ít thành tựu. Tuy nhiên, với mục tiêu đã đặt ra là tỷ trọng đóng góp của khu vực này vào GDP tăng khoảng 15% trong mỗi giai đoạn 5 năm thời gian tới và năng suất lao động tăng khoảng 4 - 5%/năm đòi hỏi phải những nỗ lực nhiều hơn nữa trong thay đổi tư duy và hành động đối với khu vực kinh tế này.
Doanh nghiệp tư nhân đầu tiên trong ngành tài chính chứng khoán vừa được nhận danh hiệu anh hùng lao động. Đây cũng là sự công nhận những đóng góp của cả một lĩnh vực kinh tế rất mới là chứng khoán - nơi các thành viên đa số là kinh tế tư nhân, nhưng có đến 80% doanh nghiệp báo lãi trong năm dịch bệnh khó khăn vừa qua.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI cho biết: "Chỉ cần tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực cũng giúp thành phần kinh tế phát triển nhiều. Phần lớn các doanh nghiệp trong thành phần kinh tế tư nhân đều thấy tiếp nhận các nguồn lực khó khăn hơn các thành phần khác, trừ một nơi sòng phẳng với tất cả là thị trường chứng khoán, tại đây không có đặc ân cho doanh nghiệp nào. Đấy là lý do vì sao doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ như thời gian vừa qua".
Kinh tế tư nhân đã được coi trọng, nhưng vẫn cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để đánh giá đúng năng lực và vai trò của thành phần kinh tế này.
"Hiện nay phải khẳng định luôn kinh tế tư nhân là động lực chủ yếu cho tăng trưởng phát triển. Khi là động lực chủ yếu lúc đó vị thế về mặt chính trị thay đổi thì những thứ khác mới thay đổi được. Còn về luật pháp chúng ta đã có tự do kinh doanh tương đối tốt nhưng an toàn trong kinh doanh còn nhiều vấn đề", TS Nguyễn Đình Cung - chuyên gia kinh tế nói.
Phát triển kinh tế tư nhân đã đạt được không ít thành tựu. Ảnh minh họa.
Trong thời gian vừa qua, hàng loạt các luật liên quan đến kinh doanh như luật đầu tư, luật doanh nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng cởi mở, thông thoáng. Những nỗ lực cải cách thể chế đã khơi thông dòng chảy của kinh tế tư nhân vốn còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: "Thể chế vẫn là ưu tiên hàng đầu trong việc tạo điều kiện thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Tôi hy vọng Ban Kinh tế Trung ương đã rất thành công trong việc xây dựng đề án trình Hội nghị Trung ương ban hành Nghị quyết 10 về kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục tham mưu, thúc đẩy thực hiện Nghị quyết này trong thực tiễn".
Nhiều doanh nghiệp tư nhân cho biết, dịch bệnh còn khó khăn nên họ không chờ đợi nhiều vào các ưu đãi hay hỗ trợ từ phía nhà nước. Điều họ mong đợi vào lúc này là sự công bằng trong tiếp cận các nguồn lực, là sự thừa nhận vai trò của khu vực kinh tế này trong nền kinh tế để họ có thể tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!