Sáng nay (7/11), Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tiếp tục trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, phần lớn thời gian Bộ trưởng dành thời gian trả lời một số câu hỏi đặt ra vào cuối giờ chiều 6/11.
Trong phiên chất vấn chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trả lời chất vấn của nhiều đại biểu liên quan đến việc hoàn thiện khung pháp lý về dán nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, các cơ chế phòng vệ thương mại...
Tuy nhiên, chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị Bộ trưởng cần giải trình rõ hơn về vấn đề hàng hóa nước ngoài đội lốt, hàng nhái, hàng giả, cơ chế phòng vệ thương mại của nước ta. Theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, vấn đề quan trọng nhất Bộ trưởng chưa trả lời được đó là lỗ hổng rất lớn về pháp luật.
"Quy định hàng Việt Nam là thế nào? Chính sự thiếu minh bạch này đã làm cho nhiều doanh nghiệp như Asanzo không biết mình có vi phạm không. Như vậy, đẩy người dân và doanh nghiệp vào thế rủi ro rất cao. Asanzo, Khải Silk có đơn thuần là gian lận thương mại hay không? Đề nghị Bộ trưởng nói rõ hơn về vấn đề này. Kinh tế Việt Nam là kinh tế mở hay kinh tế hở?" - đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) chất vấn.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: "Trong thời gian dài đã diễn ra hành vi gian lận thương mại và gian lận xuất xứ lừa dối người tiêu dùng mà chúng ta từng chứng kiến như vụ Khải Silk, Asanzo. Chính vì vậy, ngay từ năm 2018, Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất xây dựng văn bản pháp quy hướng dẫn cụt hể hơn nữa trong việc ghi xuất xứ cho các sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, lưu thông tại thị trường trong nước".
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương đây là việc khó nên Bộ xin ý kiến các bộ ngành xây dựng một thông tư mở. Sau gần 1 năm xây dựng, cơ quan này đã hoàn thành dự thảo thông tư hướng dẫn chứng nhận xuất xứ hàng hoá sản xuất, lưu thông trong nước, đang lấy ý kiến phản biện của nhân dân và các tổ chức. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm, qua 2 vòng lấy ý kiến, các đóng góp rất đa dạng nhưng cũng có một số quan điểm cho rằng phạm vi điều chỉnh cần cụ thể hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!