Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 06/11/2022 14:47 GMT+7

VTV.vn - Tuần qua, nhiều tờ báo đã dành không ít tin bài để phản ánh tình hình kinh tế những tháng cuối năm.

Dự kiến tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 7,5 - 8,2%

Nổi bật trên trang nhất của tờ Lao động là hàng tít đáng chú ý: "Dự kiến tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 7,5 - 8,2%".

Theo bài báo, trong 10 tháng đầu năm nay, nền kinh tế tăng trưởng lạc quan dù ngoại cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. Đây là động lực để thúc đẩy tăng trưởng quý 4 và cả năm 2022 bật tăng mạnh mẽ, đưa GDP cả năm ước đạt từ 7,5 - 8,2%. Những điểm sáng đóng góp vào tăng trưởng là xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, sản xuất công nghiệp, sản xuất dịch vụ… Trong đó, đáng chú ý là chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 10 tháng đã tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế phục hồi mạnh mẽ

Với hàng tít "Kinh tế phục hồi mạnh mẽ", báo Người Lao động nhấn mạnh tình hình kinh tế - xã hội nước ta tháng 10 và 10 tháng đầu năm tiếp tục đà phục hồi, nổi bật là kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 2,89%. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD.

Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ - Ảnh 1.

Trong 10 tháng đầu năm nay, nền kinh tế tăng trưởng lạc quan dù ngoại cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Đáng chú ý, mới đây, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế hàng đầu Fitch Ratings vừa xếp hạng kinh tế Việt Nam ở mức triển vọng tích cực BB.

Theo Fitch Ratings, Việt Nam có triển vọng tăng trưởng mạnh trong trung hạn, nợ Chính phủ thấp hơn so với các quốc gia tương ứng, giúp đảm bảo vị thế tài khóa ổn định. Hãng xếp hạng tín nhiệm này cũng đánh giá Việt Nam có sức tăng trưởng kinh tế dẫn đầu bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Với những con số thuyết phục trên, rõ ràng gam màu sáng đang là chủ đạo trong bức tranh kinh tế nước ta. Tuy nhiên bên cạnh sự lạc quan, không ít tờ Báo đã nhấn mạnh đến thông điệp "phải tăng tốc để về đích" khi chỉ còn gần 2 tháng nữa, năm 2022 sẽ khép lại. Phía trước vẫn còn không ít thách thức để nền kinh tế có thể "về đích" và đạt được các chỉ tiêu đã đề ra theo kế hoạch.

Những thách thức đó đã được chỉ rõ, có thể kể đến như: sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn; diễn biến căng thẳng Nga - Ukraine cũng như xu hướng thắt chặt tài khóa, tiền tệ gia tăng trước bối cảnh lạm phát đạt mức kỷ lục tại nhiều nước; việc giá cả nhiều mặt hàng thế giới tiếp tục xu hướng tăng gây nhiều áp lực lên giá cả đầu vào sản xuất tại Việt Nam… chắc chắn là không thể chủ quan trước các thách thức lớn này.

Kinh tế 2022: Chặng đua nước rút

Báo Đầu tư còn nhấn mạnh, phải thẳng thắn nhìn vào thực tế là tính bền vững của tăng trưởng kinh tế chưa cao, sức chống chịu của nền kinh tế cũng còn yếu. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, quan trọng là làm sao giải bài toán thiếu vốn cho nền kinh tế và không làm đứt gãy đà tăng trưởng đang được duy trì khá tốt từ đầu năm đến nay, do đó cần có cơ chế điều chỉnh dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất hiệu quả, ổn định, bền vững.

Kinh tế Việt Nam tăng tốc nhưng chịu không ít áp lực

Tập trung vào các áp lực mà nền kinh tế đang phải đối mặt, tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đưa ý kiến các chuyên gia cho rằng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt gần 200% GDP, thuộc nhóm cao trên thế giới. Do độ mở kinh tế Việt Nam rất cao nên nước ta sẽ đối mặt với nhiều thách thức trước biến động kinh tế toàn cầu. Áp lực lạm phát khiến nhiều nước trên thế giới đang tăng lãi suất cơ bản và đẩy hàng loạt đồng tiền mất giá so với đồng USD.

Chính phủ chỉ đạo một loạt giải pháp gỡ khó cho xăng dầu

Tuần qua, những giải pháp cấp bách để gỡ khó cho thị trường xăng dầu cũng là một đề tài được quan tâm, bởi ai cũng biết xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô và sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp, người dân.

Trong thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn và thường xuyên.

Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong hoàn cảnh đó Chính phủ đã chỉ đạo một loạt giải pháp gỡ khó cho xăng dầu.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên tiếp có chỉ đạo đến Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan.

Vào cuối tuần trước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành có liên quan và một số công ty đầu mối lớn như Petrolimex, PVN...

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính kịp thời điều chỉnh các chi phí trong cơ cấu giá xăng dầu nhằm bảo đảm duy trì hoạt động cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho các công ty đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện việc thông quan hàng hóa xăng dầu, để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho thị trường trong nước.

Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Đặc biệt, giữa tuần, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu. Công điện yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục chủ động bám sát diễn biến thị trường và quy định pháp luật trong công tác quản lý, điều hành; bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong mọi tình huống, theo báo Lao động.

Hà Nội: Điều hành hàng ngày các vướng mắc phát sinh về nguồn cung xăng dầu

Chỉ 2 ngày sau Công điện của Thủ tướng, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ra văn bản hỏa tốc về việc thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu.

Theo Công điện, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Sở Công Thương thường xuyên nắm bắt tình hình nguồn cung xăng dầu; rà soát, tổng hợp các vấn đề vướng mắc phát sinh, báo cáo đề xuất thành phố để có phương án điều tiết hợp lý, kịp thời; phối hợp Cục Quản lý thị trường rà soát, tổng hợp báo cáo tình hình đóng mở, kinh doanh xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố trước 17h hàng ngày.

Trong khi đó, 2 nhà máy lọc hoá dầu Bình Sơn và Nghi Sơn cũng đang hoạt động gần 110% công suất thiết kế và nguồn nhập khẩu cũng đã tăng 116%. Hai đầu mối xăng dầu lớn nhất cả nước là Petrolimex và PVOil cũng đã có nhiều giải pháp để đáp ứng đầy đủ nguồn cung cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình để phục vụ nhu cầu của người dân.

Kinh tế Việt Nam giữ vững tăng trưởng trong thế giới bất ổn Kinh tế Việt Nam giữ vững tăng trưởng trong thế giới bất ổn

VTV.vn - Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cho dù nguy cơ suy thoái toàn cầu đang có nhiều diễn biến khó lường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước