Việc miễn giảm thuế, phí để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, cân nhắc tính toán phù hợp với điều kiện thực tế đang tiếp tục được Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Cụ thể, Chính phủ vừa đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong nửa cuối năm nay, tức kéo dài thêm 6 tháng so với quyết định hồi cuối năm ngoái của Quốc hội.
Thông tin này được người dân và cộng đồng doanh nghiệp đón nhận tích cực. Bởi đây được xem là một trong những chính sách giúp phục hồi kinh tế hiệu quả nhất sau đại dịch, nó có tác động trực tiếp đến người tiêu dùng.
Chị Phạm Thị Mỹ Hạnh - TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Mình được hưởng lợi tốt hơn chứ. Mình đi chợ mình thấy giảm, dư ra tiền một ít để mua thêm. Nhà nước hỗ trợ vậy rất tốt cho bà con".
"Chúng tôi mong mỏi chính sách này tiếp tục gia tăng 6 tháng nữa để nhìn thấy sự thay đổi rõ ràng và người dân yên tâm trong chi tiêu", bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam bày tỏ.
Kích thích sản xuất từ việc giảm VAT
Theo khảo sát, nhiều bà nội trợ khi đi mua hàng, trong giỏ có đến hơn một nửa là hàng hoá nằm trong danh mục được giảm 2% thuế VAT. Mỗi lần đi mua sắm tiết kiệm được đến cả trăm nghìn đồng là không hề nhỏ. Việc người tiêu dùng tăng chi tiêu, ắt hẳn sẽ kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Khi đi mua sắm, ăn uống… ở mỗi tờ hoá đơn có ghi chi tiết phần giảm thuế VAT các mặt hàng xuống còn 8%, từ đó người tiêu dùng tính toán được số tiền mình tiết kiệm được. Không chỉ vậy, nhiều nguyên vật liệu đầu vào của doanh nghiệp sản xuất cũng được hưởng lợi từ chính sách thuế này.
Việc kéo dài các chính sách tài khóa, giãn hoãn nợ, giảm thuế, phí, trong đó có giảm thuế giá trị gia tăng sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng tiêu dùng, xuất khẩu. Ảnh minh họa.
Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động, việc kéo dài các chính sách tài khóa, giãn hoãn nợ, giảm thuế, phí, trong đó có giảm thuế giá trị gia tăng sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng tiêu dùng, xuất khẩu.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết: "Chính sách này rất tối ưu vì đi trực tiếp vào đời sống của người dân, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Đây không đơn thuần là giảm thuế mà là chia sẻ khó khăn của Nhà nước với người dân, doanh nghiệp".
Theo tính toán của Bộ Tài chính, riêng việc thực hiện giảm 2% VAT ở nửa đầu năm nay, khiến ngân sách Nhà nước giảm thu khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giảm thuế này cùng vói các giải pháp thuế, phí, lệ phí khác đã tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu. Giúp thu thuế tiêu thụ nội địa những tháng đầu năm vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra trên 10%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!