Kỳ vọng Nghị định 153 sớm hoàn thiện

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 22/07/2022 11:20 GMT+7

VTV.vn - Bộ Tài chính đã chính thức trình Chính phủ nghị định 153 sửa đổi về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ.

Doanh nghiệp trong phát hành trái phiếu chuẩn bị được khoác một tấm áo mới nhằm phát triển thị trường minh bạch, hiệu quả và bền vững. Từ đó, hướng tới mục tiêu dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP vào năm 2025.

Chị Châu (Hà Nội) là một trong số không nhỏ các nhà đầu tư đã có thể mua cho mình hàng trăm triệu đồng trái phiếu doanh nghiệp, thông qua môi giới, dù theo đúng quy định chị chưa đủ tiêu chuẩn để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp.

"Có thể tài khoản mình chưa là nhà đầu tư chuyên nghiệp nhưng vẫn có thể mua trái phiếu qua các bạn môi giới. Việc mua như thế không gặp trở ngại gì pháp lý hoặc hợp đồng cả, tất cả đều rất dễ", chị Châu nói.

Những rủi ro tiềm ẩn là lý do chính tạo nên sự bất ổn với thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua. Sau khi có một số vụ việc điển hình bị xử lý, tính ra quý II chỉ có 111.814 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành, giảm mạnh tới 43,7% so với cùng kỳ.

Việc có một hành lang pháp lý mới từ Nghị định 153 sửa đổi cũng giống như việc doanh nghiệp được khoác một tấm áo mới, chỉnh tề hơn, để từ đó họ có thể tự tin hơn để phát hành nhiều hơn nữa trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, cũng như phát hành riêng lẻ.

Kỳ vọng Nghị định 153 sớm hoàn thiện - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Dù số lượng trái phiếu tháng 4 có giảm mạnh, nhưng tháng 5 và tháng 6 tăng trở lại. Với sự hoàn thiện của Nghị định 153 kỳ vọng sẽ có nhiều hơn nữa trái phiếu được phát hành ra trong thời gian tới.

Ông Phùng Xuân Minh - Chủ tịch HĐQT, Saigon Ratings cho hay: "Dự thảo mới tác động tích cực bởi đảm bảo quản lý Nhà nước chặt chẽ hơn, các nhà đầu tư trên thị trường nên phân loại như thế nào và cuối cùng yêu cầu doanh nghiệp sử dụng vốn theo đúng quy định để có khả năng hoàn trả".

Việc đưa xếp hạng tín nhiệm vào dự thảo lần này để cải thiện tính minh bạch cũng được các thành viên thị trường đánh giá cao. Tuy nhiên, với bản dự thảo gần đây nhất đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, vẫn còn những kiến nghị để góp phần đưa nghị định gần hơn với thông lệ quốc tế.

"Nếu như hạn chế mục đích sử dụng vốn được áp dụng sẽ là thiệt thòi doanh nghiệp Việt Nam, thiếu nguồn tài chính cạnh tranh doanh nghiệp nước ngoài ngay trên sân nhà", ông Vương Hoàng Sơn - Giám đốc Khối nguồn vốn, VNDIRECT cho hay.

Ông Phùng Xuân Minh cho biết thêm: "Không nên quy định bắt buộc quá cụ thể, nó nằm trong các vấn đề tổ chức xếp hạng đánh giá, thẩm định, công bố chất lượng đều có cả".

Cùng với đó, theo công ty chứng khoán, việc tính toán tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư theo từng ngày để phân loại là chuyên nghiệp hay không có thể gây áp lực với hạ tầng công nghệ, vốn từng vấp phải tình trạng quá tải.

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu vốn luôn có hai lựa chọn đó là phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng. Thực trạng đáng tiếc là tỷ trọng phát hành ra công chúng quý II chỉ 0,3%, tức giảm 30 lần so với quý I.

Việc trái phiếu riêng lẻ tăng trưởng nóng, tiềm ẩn rủi ro, đòi hỏi quản lý chặt chẽ hơn có lẽ là điều cần thiết. Tuy nhiên, song song với đó cần có những cơ chế thông thoáng hơn để dòng vốn trái phiếu chuyển sang kênh phát hành ra công chúng có lẽ cũng là điều được doanh nghiệp kỳ vọng để có thể mở đường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước