Bức tranh lợi nhuận quý II/2021 của các ngân hàng tăng mạnh trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) phá sản khiến nhiều người đặt ra câu hỏi. Lãi suất huy động thấp, trong khi lãi suất cho vay cao, các ngân hàng đều chủ trương tiết giảm chi phí, room tín dụng các ngân hàng đang ở mức cao đã giúp các ngân hàng lãi khủng quý II.
Ngân hàng đang "mua rẻ bán đắt"?
6 tháng đầu năm, một số ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh với những con số ấn tượng. Ví dụ như ngân hàng VietinBank cho biết, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của Ngân hàng ước đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng MSB công bố ước tính lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 2.800 tỷ đồng trong nửa đầu năm, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt 85% kế hoạch cả năm.
LienVietPostBank cho biết, lợi nhuận trước thuế trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 1.700 tỷ đồng, gần bằng 60% kế hoạch cả năm và cao hơn 70% so với 6 tháng đầu năm ngoái. Tuy nhiên, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước và chính sách của các ngân hàng thương mại vẫn đặt mục tiêu chia sẻ khó khăn, giúp đỡ DN, người dân lên hàng đầu.
Ông Trương Đình Long, Phó Tổng giám đốc ngân hàng OCB cho biết, chính sách của ngân hàng là sẽ chấp nhận giảm lợi nhuận ngân hàng để chia sẻ khó khăn với các DN. "Thu nhập của ngân hàng chấp nhận giảm để chia sẻ khó khăn với DN và người dân, chúng tôi hạn chế tối đa các chi phí để đưa vào hạng mục giảm lãi suất…", ông Long nói.
Lãi suất cho vay cao khiến các DN khó phục hồi và giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Vậy tại sao ngân hàng vẫn báo lãi khủng trong khi các doanh nghiệp phá sản hàng loạt? Lãi suất tiết kiệm trên thị trường vẫn ở mức thấp so với các năm trước, nhưng lãi suất cho vay được cho là giảm không tương xứng. Theo các DN, mức lãi suất giảm như vậy là không đáng kể.
Với cho vay dài hạn, lãi suất ưu đãi năm đầu từ 8%-8,7%/năm, các năm sau bị cộng thêm biên độ từ 4%- 4,3%/năm, tính ra, lên tới từ 11,5%-12,5%/năm. Chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay rất lớn. Trong khi lãi suất huy động bình quân chỉ 3-5%/năm nhưng có những khoản vay vẫn treo lãi suất 9-10%/năm.
Lợi nhuận khủng của ngân hàng là từ chứng khoán?
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục phát triển DN (Bộ kế hoạch và đầu tư) cho rằng, điều kiện vay vốn của các ngân hàng vẫn là khó khăn đối với DN. "Ngân hàng Nhà nước hiện nay cũng đã rất tích cực triển khai các gói vay cho các DN, tuy nhiên các gói sản phẩm tín dụng cho DN vẫn chưa đa dạng, điều kiện vay vẫn còn khó khăn", ông Hùng nhận xét.
Số liệu Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 15/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1%, đồng nghĩa với các tổ chức tín dụng đã bơm ra nền kinh tế khoảng 469.000 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Với tình hình này, tín dụng ước tăng 5,5 - 6% trong nửa đầu năm nay, khi nhiều ngân hàng chưa hết 6 tháng đã dùng gần hết hoặc hết room tín dụng của cả năm và đang xin Ngân hàng Nhà nước cấp cho room mới, như MSB, ACB, OCB, Techcombank, VIB.
Ngay cả với những ngân hàng quy mô lớn như Vietcombank, VietinBank, tín dụng 6 tháng đầu năm cũng tăng ở mức khá cao, lần lượt ở mức 9% và 4,8%. Chính điều này đã tác động tích cực lên lợi nhuận 2 quý đầu năm nay.
TS. Đỗ Thái Hưng, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Finpros nhận định, trong vòng khoảng 2-3 năm trở lại đây, thứ tự xếp hạng tăng trưởng về vốn cũng như quy mô của các ngân hàng đã diễn ra rất mạnh mẽ. "Việc này đến từ yếu tố các ngân hàng linh động trong việc tăng trưởng tín dụng, cũng như là làm cách nào có thể tăng trưởng tốt, có thể là bằng cách là hạ lãi suất, bằng cách có được những dịch vụ tốt hơn, các ngân hàng sẽ phải tự cân đối, hy sinh những lợi ích ngắn hạn để đạt được những lợi ích dài hạn và bền vững hơn", TS. Đỗ Thái Hưng phân tích.
Một thực tế khác, nhiều ngân hàng thương mại có lợi nhuận "khủng" thời gian qua là do thị trường chứng khoán bùng nổ. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh chính là kênh tạo lợi nhuận khá lớn cho các ngân hàng. Một lý do nữa góp phần giúp các ngân hàng lãi khủng trong nửa đầu năm nay là năm 2019-2020, thị trường bất động sản bùng nổ khiến các ngân hàng phát mại, giải quyết được số lượng lớn tài sản đảm bảo của những khoản nợ xấu đọng ở đây nhiều năm qua. Các ngân hàng đã nỗ lực với việc bán, phát mại tài sản này và thu về được khoản lợi nhuận khổng lồ, hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính Ngân hàng, nợ xấu vẫn còn tiềm ẩn và có thể bị ảnh hưởng trong tương lai. Những con số của các ngân hàng vừa rồi có thể được làm "đẹp", bởi vấn đề nợ xấu như năm ngoái và đầu năm nay Ngân hàng Nhà nước không cho phép các ngân hàng chuyển nhóm nợ.
"Các ngân hàng không phải trích lập dự phòng nợ xấu đúng như thực tế, có nghĩa rằng, chi phí của họ có thể giảm được do dự phòng nợ xấu, họ có thể giữ được mức thấp. Điều đó cũng tiếp tục trong năm nay và chính vì thế, kết quả lợi nhuận của ngân hàng có thể bị thổi phồng lên. Người dân và DN cần phải quan tâm, các cổ đông của ngân hàng cũng phải biết điều đó", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, đến cuối năm nay, các ngân hàng bắt buộc phải trích lập dự phòng rủi ro cho phần tín dụng tiềm ẩn nợ xấu (khoảng 40.000 - 44.000 tỷ đồng). Khoản này sẽ được trừ vào lợi nhuận của các ngân hàng. Do đó, các ngân hàng sẽ không còn mức lãi "khủng" như báo cáo mà tối đa chỉ có thể lãi khoảng 15%.
Một vấn đề nữa là lãi suất cho vay cao khiến các DN Việt Nam khó phục hồi và giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường. Do đó, giảm lãi suất là cần thiết. Các ngân hàng nên cân nhắc giảm bớt lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!